Nguy cơ La Nina trở lại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô
Giá ngô đang được hỗ trợ mạnh bởi thời tiết quay trở lại hạn hán trong tuần cuối tháng 7 mặc dù trong vài ngày tới dự báo sẽ có mưa ở khu vực Midwest. Điều này sẽ càng khẳng định kỳ vọng của thị trường về nguồn cung của Mỹ niên vụ 2021/22 có thể bị thắt chặt hơn nữa nếu mức năng suất ở các bang sản xuất lớn bị hạn hán kéo mức năng suất chung của cả nước xuống thấp hơn.
Tối hôm qua, EIA cũng đã công bố số liệu về tồn kho và sản lượng ethanol trong tuần vừa qua. Mặc dù số liệu không quá tích cực và có tác động “bullish” tới giá nhưng việc sản lượng duy trì trên 1 triệu thùng/ngày trong thời gian gần đây cho thấy nhu cầu ethanol đã được bình thường hoá kể từ sau đại dịch Covid-19.

Tong hop cac ban tin ngay

Lúa mì vẫn đang thể hiện là mặt hàng mạnh nhất trong thời gian gần đây. Phiên tăng hôm qua đã xoá đi hoàn toàn khoảng gap và mức giảm mạnh tuần trước. Lúa mì phiên sáng nay đang giằng co quanh giá mở cửa ở mức 654.
 
Sự suy yếu của đồng USD có thể tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của thị trường Cà phê
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/7, sắc xanh quay trở lại với thị trường Cà phê. Giá Arabica tăng 2.86% lên 156.6 cents/pound, giá Robusta tăng 2.62% lên 1762 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD trong phiên hôm qua là lý do chính thúc đẩy đà tăng cho giá của hai loại Cà phê. Chỉ số PPI được công bố tăng ở mức cao kỉ lục khiến cho nỗi lo lạm phát quay trở lại với thị trường. Xét từ góc nhìn kỹ thuật, lực mua đã thành công đưa giá hồi lên qua vùng Fibonacci 0.5.

Đối với giá Cà phê Robusta, giá đã bứt phá ra khỏi vùng tam giác và đang hướng lên test lại mức kháng cự 1775 USD. Tuy nhiên, giá đang có dấu hiệu tích lũy đi ngang.
 
Bước tiến mới trong thoả thuận với UAE có thể mở đường cho một loạt bất đồng trong OPEC+
Kết thúc phiên giao dịch, WTI giảm 2.82% xuống 73.13 USD/thùng, Brent giảm 2.26% xuống 74.76 USD/thùng, mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 5. Lo ngại về nguồn cung từ phía OPEC+ gia tăng khi UAE đạt được thoả thuận tăng sản lượng cơ sở từ 3.168 triệu thùng/ngày lên 3.65 triệu thùng/ngày.
Mặc dù việc UAE đạt được một số thoả thuận cho thấy tiến triển trong quá trình đàm phán giữa các bên và làm giảm nguy cơ thoả thuận cắt giảm bị phá bỏ. Tuy nhiên, mức cơ sở được tăng gần 500,000 thùng/ngày có thể khiến các thành viên có mức cắt giảm sản lượng lớn như Kuwait hay South Sudan đưa ra động thái tương tự.
Theo Bloomberg, hiện tại Iraq cũng đã yêu cầu được phép tăng sản lượng, tuy nhiên chưa có thông tin về số liệu cụ thể. Có khả năng kết quả cuối cùng của các cuộc họp tiếp theo, mức tăng sản lượng trong nhóm sẽ cao hơn rất nhiều so với con số 400,000 thùng/ngày mà Saudi Arabia đề ra. Việc nước này tiếp tục cắt giảm tự nguyện khó có thể xảy ra, khi mà Aramco – công ty dầu khí quốc gia – đã cam kết chi trả mức cổ tức khổng lồ hàng năm lên đến 75 tỷ USD, tương đương GDP của Myanmar năm 2020.
Giá dầu hiện vẫn đang giảm khá sâu trước một loạt tin tức bất lợi, khi mà các bất ổn trong nội bộ OPEC+ đè nặng lên tâm lý thị trường.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)