Áp lực cạnh tranh do chi phí vận tải nội địa tăng cao tại Mỹ sẽ là yếu tố khiến cho giá ngô có thể sẽ suy yếu trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/10, giá ngô đang suy yếu trở lại sau 1 tuần tăng nhẹ nhưng không thể phá vỡ kháng cự tâm lí 700. Trong tuần này, xét cả về mặt cơ bản lẫn các thông tin về vĩ mô, thị trường có thể sẽ khá trầm lắng khi không có quá nhiều sự kiến hay báo cáo đặc biệt. Chính vì thế nên chúng tôi cho rằng giá ngô có khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì khoảng biến động đi ngang nhưng áp lực bán sẽ chiếm ưu thế hơn.
Trong giai đoạn nông dân Mỹ đang thu hoạch ngô và các báo cáo Cung – cầu vừa qua đã phản ánh gần như các yếu tố ảnh hưởng tới sản lượng năm nay thì thị trường sẽ chuyển hướng quan tâm đến khả năng xuất khẩu, mức độ cạnh tranh của ngô Mỹ so với quốc tế. Ngô là mặt hàng phụ thuộc nhiều nhất vào Vùng Vịnh, với khoảng 62% khối lượng ngô xuất khẩu của Mỹ đi qua cảng biển này. Và để tới được cảng, ngô sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển bằng sà lan theo các nhánh sông Mississippi. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài ở Mỹ đã khiến cho mực nước sông sụt giảm và ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Theo báo cáo Vận tải ngũ cốc hàng tuần của Bộ nông nghiệp Mỹ, khối lượng nông sản di chuyển về phía nam trên sông đã giảm hơn 29% và số lượng sà lan mỗi đầu kéo giảm 17 – 38%. Điều này cũng đẩy giá cước vận tải nội địa lên cao hơn đáng kể. Trong tuần vừa rồi, một sà lan đi về phía nam từ St. Louis hiện có giá cao hơn 81%/tấn so với tuần trước đó, đắt hơn gần 4 lần so với mức trung bình trong 3 năm qua.
Nếu so sánh giữa nguồn cung ngô từ Mỹ và Nam Mỹ, thì chi phí vận chuyển bằng sà lan là yếu tố giúp ngô Mỹ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khiến cho triển vọng xuất khẩu của nước này đang kém đi. Năm ngoái, khi cơn bão Ida làm hư hại ở các cảng xuất khẩu Vùng Vịnh khiến chi phí vận tải cũng tăng vọt thì giá ngô đã bước vào nhịp giảm mạnh vào đầu tháng 9/2021. Áp lực cạnh tranh sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá ngô trong tuần này.

Giá cà phê khả năng cao tiếp tục giảm trong phiên hôm nay do áp lực từ thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật

Giá cà phê đang trong xu hướng đi xuống trong những phiên gần đây do số liệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu tháng 09 khi Arabica tăng 18% so với tháng trước và triển vọng nguồn cung trong niên vụ tiếp theo cũng là điểm sáng khi mưa lớn được dự báo sẽ diễn ra tại vùng trồng cà phê chính của Brazil trong 1 tuần tới, sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây cà phê. Với Robusta, do tồn kho tại 2 quốc gia xuất khẩu lớn là Việt Nam và Indonesia đang bước vào mức cạn kiệt nên kìm hãm phần nào đà giảm so với Arabica, đóng cửa tuần Robusta giảm hơn 4%, thấp hơn nhiều mức giảm gần 10% của Arabica.
Tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US vẫn ở mức thấp nhất trong hơn 23 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán lượng tồn kho này sẽ sớm được tăng cường khi lực bán từ phía nông dân Brazil đang đẩy ra mạnh do đồng Dollar Mỹ ở mức cao và mức giá cà phê bán rửa tại Brazil đã vào mức đủ rẻ để xuất đến các kho của ICE. Nếu điều này thực sự xảy ra, tồn kho đạt chuẩn sẽ không còn là yếu tố hỗ trợ giá.
Về mặt thời tiết, mưa lớn được dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil trong vòng 1 tuần tới. Hiện tại, vụ cà phê tại Brazil đang bước vào mùa ra hoa tập trung, mưa lớn vừa giúp cây ra hoa tập trung tốt hơn vừa lưu giữ độ ẩm để hỗ trợ cho quá trình ngủ của cây cà phê trong thời gian tiếp theo, vì trong giai đoạn đó thời gian ngủ của cây được quyết định bởi lượng nước mà cây hút được và cũng là yếu tố quyết định sự phát triển ban đầu của quả cà phê. Do vậy, lượng mưa dồi dào được dư báo sẽ cung cấp cho vùng trồng cà phê trong giai đoạn này được đánh giá là rất tốt đối với sự phát triển của cây trồng và có thể đưa lại triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ tới. Tuy vậy, đây lại là yếu tố gây áp lực lên giá. 

Giá đồng có thể giằng co trước thời điểm công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc

Giá đồng đón nhận lực mua trong phiên sáng giao dịch đầu tuần nhờ sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ và những cam kết thúc đẩy kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp Đại hội Đảng 5 năm một lần của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, ông Tập tiếp tục nhấn mạnh về mục tiêu phát triển kinh tế và cam kết đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia phát triển trung bình" vào năm 2035. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này đòi hỏi quy mô của nền kinh tế nước này sẽ phải tăng gấp đôi so với mức năm 2020, tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 4.7% trong giai đoạn này. Trong khi đó, khảo sát của Bloomberg đối với các nhà kinh tế chỉ cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 đạt mức 3.3%, đồng nghĩa với việc Chính phủ phải tìm cách nỗ lực kích thích kinh tế hơn rất nhiều để có thể đạt được cam kết. Trong tuần này, GDP quý III của Trung Quốc cũng sẽ được công bố, với kỳ vọng tích cực hơn ở mức 3.4% so với bức tranh ảm đạm trong quý II, nhưng đây vẫn là con số vẫn còn khá khiếm tốn trong lịch sử khi dịch bệnh vẫn đang là trở ngại lớn của nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, thị trường kim loại nói chung và giá đồng nói riêng cũng sẽ được hỗ trợ bởi tham vọng tự chủ ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là chip bán dẫn, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào phía Mỹ. Tuy nhiên, đây sẽ là công cuộc rất khó khăn, trong khi đầu tháng này, Mỹ hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc, khiến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nước này như siêu máy tính, hệ thống giám sát và vũ khí tiên tiến sẽ còn gặp nhiều áp lực, và gây sức ép gián tiếp đến thị trường kim loại.
Trong ngắn hạn, rào cản lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn là Chính sách Zero Covid. Trong cuộc họp, mặc dù ông Tập không đề cập đến chính sách này sẽ như thế nào trong tương lai, nhưng ông đã đánh giá chính sách một cách tích cực khi đã giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch có thể làm tổn hại đến nền kinh tế. Thông điệp này có thể là một dấu hiệu của ông Tập cho thấy chiến lược chống dịch nghiêm ngặt khó có thể kết thúc sớm và triển vọng tiêu thụ hàng hoá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất vẫn sẽ bị hạn chế. Vì vậy, giá đồng nhiều khả năng vẫn sẽ gặp áp lực trong phiên hôm nay trước khi thị trường chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vào ngày mai. 

Giá dầu có thể tăng nhẹ trong phiên đầu tuần trước các tín hiệu tích cực từ Trung Quốc

Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo dự trữ an ninh năng lượng trong nước.
Phát biểu trong Đại hội Đảng 5 năm, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ gia tăng kho dự trữ than và dầu, báo hiệu nước này sẽ thúc đẩy thu mua các mặt hàng năng lượng. Lo ngại về tiêu thụ năng lượng sụt giảm tại Trung Quốc là một trong các nguyên nhân lớn nhất khiến cho giá dầu giảm mạnh từ đỉnh tháng 6, do đó, một tín hiệu tích cực từ nước này cũng gúp cho lực mua gia tăng trong phiên sáng. Bên cạnh đó, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết duy trì chính sách hỗ trợ thị trường cũng đẩy giá dầu tăng trong phiên sáng.
Tuy vậy, rủi ro vẫn còn lớn, khi chính sách Zero-Covid đang khiến cho nhu cầu đi lại trong ngắn hạn được kỳ vọng sẽ tiếp tục thấp. Hôm nay, Trung Quốc tiếp tục phong tỏa gần 1 triệu dân ở Trịnh Châu. Khi mà Chính phủ vẫn còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trong các biện pháp hạn chế dịch, sẽ khó để người dân có thể gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch. Hoạt động sản xuất cũng khó tăng trưởng theo được nếu các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khả năng có thể phải đóng cửa đột ngột. Vì vậy, giá khó có thể tạo được đà tăng mới, mà khà năng cao sẽ vẫn còn giao dịch dưới vùng giá 90 USD/thùng.

Nguồn: Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)