Đà giảm của thị trường Robusta sẽ chưa dừng lại trong bối cảnh nguồn cung ở Việt Nam ổn định
Kết thúc tuần vừa qua, giá Arabica nhích nhẹ 0.5% lên 239.7 cents/pound, trong khi giá Robusta đóng cửa trong sắc đỏ tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm gần 4% về 2228 USD/tấn. Đáng chú ý, đây là đợt giảm điều chỉnh mạnh nhất của thị trường Robusta kể từ tháng 5/2020. Điều này cũng khiến cho chênh lệch giữa hai Sở nới rộng lên mức 58%.
Trong phiên hôm nay, Sở ICE US nghỉ lễ nên sẽ chỉ có mặt hàng Robusta được giao dịch. Thị trường Robusta nhiều khả năng sẽ khá trầm lắng do thiếu vắng lực mua sôi động thường thấy vào phiên tối. Tin tức đáng chú ý nhất đối với thị trường Robusta là số liệu xuất khẩu tháng 12 đã được Tổng cục Hải quan công bố vào tuần trước, nên trong phiên hôm nay thị trường sẽ tiếp tục hấp thụ những ảnh hưởng từ tin tức này. Nguồn cung ở Việt Nam hiện đã sẵn sàng cho các tháng xuất khẩu cao điểm sắp tới, cộng với tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên thế giới đã phần nào được giải quyết, nên giá Robusta có thể tiếp tục giảm trong tuần này.
Ngoài ra, các quỹ cũng đang có xu hướng cắt giảm vị thế mua đối với thị trường Robusta để tránh khỏi áp lực thanh khoản, nên lực bán mạnh có thể tiếp tục duy trì.

Tiên Phạm - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - tổng hợp

 Các tin tức tiêu cực có thể chưa phản ánh vào giá đồng trong phiên hôm nay

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đồng tăng nhẹ 0.2% lên 4.42 USD/pound. Giá giằng co rất mạnh trong cả tuần và đã có lúc tăng lên 4.6 USD/pound, với biên độ biến động mạnh nhất trong sáu tuần giao dịch gần đây.
Nguồn cung thắt chặt là yếu tố thúc đẩy giá đồng có một phiên bứt phá ra khỏi biên độ đi ngang 4.2 – 4.5 USD trong tuần trước, tuy nhiên, sau đó lực chốt lời cộng với việc Trung Quốc phải đối mặt với tình hình dịch bệnh căng thẳng đã đẩy giá đồng quay trở lại biên độ trên.
Trong sáng nay, Tổng cục Thống kê công bố số liệu tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc. Các số liệu tuy tích cực hơn so với dự báo của các chuyên gia, nhưng đều không cao hơn so với năm 2020. Tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 đạt 4%, còn tăng trưởng cả năm đạt 8.1%. Việc nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã khiến cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải cắt giảm lãi suất cho vay, và tăng thêm hàng trăm tỷ Nhân dân tệ ra ngoài thị trường, tuy nhiên, các gói kích thích này không đủ để hỗ trợ một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc.

Tiên Phạm - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV- tổng hợpDầu thô nhiều khả năng sẽ phá vỡ mức kháng cự 85 USD/thùng trong ngắn hạn

Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tháng 3 tăng 6.2% lên 83.3 USD/thùng, giá Brent tháng 3 tăng 5.27% lên 86.06 USD/thùng. Từ khi vượt qua được vùng giá trước khi vùng Omicron xuất hiện, đà tăng của giá dường như không không thể cản lại.
Xuyên suốt trong tháng vừa rồi, các nhịp điều chỉnh của thị trường đều rất ngắn với mức giảm không đáng kể. Các nhịp điều chỉnh ngắn này chỉ tạo ra điểm mua vào mới cho các nhà đầu tư và các quỹ khi họ điều chỉnh danh mục của mình trong đầu năm. Theo báo cáo của CFTC tuần vừa rồi, số lượng vị thế mua dầu Brent và WTI đồng loạt bị cắt giảm, trong khi số lượng vi thế mua tăng đột biến.
Theo thống kê của Bloomberg, tổng cộng gần 500,000 vị thế mở (open interest) được thêm vào thị trường chỉ trong vài ngày đầu năm nay. Thị trường hàng hóa đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho giới đầu tư, khi mà chứng khoán đang giằng co với rất nhiều áp lực lạm phát đầu vào, trong khi đà tăng của các mặt hàng nguyên vật liệu, nhất là các mặt hàng năng lượng vẫn còn tương đối mạnh, bất chấp giá liên tục lập lập các đỉnh mới.

Hồng Hoa - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)- tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV