Giá ngô sẽ về đâu khi thị trường liên tục bán mạnh?
Giá ngô kỳ hạn tháng 7 kết thúc tuần trước giảm mạnh hơn 12%, xuống mức 643.75 cents/giạ. Thị trường ngô đã chứng kiến những phiên biến động mạnh trong tuần trước phần lớn do sự ảnh hưởng từ báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 5 của bộ Nông nghiệp Mỹ. Chỉ 2 phiên giao dịch sau báo cáo đã thổi bay mức tăng của hơn 2 tuần trước đó. Mức giảm sâu trong tuần vừa qua cũng đã kết thúc chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp của giá ngô và là dấu hiệu cho đợt điều chỉnh sau thời gian dài tăng nóng.
Phiên thứ 6 vừa rồi là phiên thứ hai liên tiếp nhà đầu tư hoang mang khi lực bán dồn dập trên toàn thị trường. Việc lưu thông trở lại trên sông Mississippi sẽ cho phép các hoạt động xuất khẩu được duy trì và xử lý các công việc tồn đọng vào đầu tuần này. Thông tin này đã góp phần củng cố lực bán và khiến giá ngô giảm sâu.
Dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện trong tuần này ở vùng Trung Tây - khu vực sản xuất ngô lớn nhất của Mỹ, giúp cải thiện chất lượng gieo trồng. Đây sẽ là yếu tố khiến đà giảm của ngô sẽ càng được củng cố.
Khi giá bất ngờ giảm sâu, một trong những điều mà thị trường quan tâm nhất là đợt giảm giá đó là sự điều chỉnh trong ngắn hạn hay mang tính đảo chiều xu hướng trong dài hạn. Nếu là sự đảo chiều xu hướng dài hạn, việc mua vào các vị thế là hết sức nguy hiểm. Với những thông tin cơ bản hiện nay, lực bán của ngô chủ yếu đến từ động thái chốt lời kéo theo tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ về tồn kho Mỹ và hạn hán ở Brazil đã lần lượt xuất hiện, sự biến động của thị trường ngô sau một vài phiên đi ngang và trước báo cáo Cung - cầu chính là thời điểm hợp lý để giới đầu cơ chốt lời khiến giá ngô điều chỉnh. Đợt tăng của ngô đến từ việc nguồn cung ngô bị thắt chắt do mức tồn kho ở Mỹ giảm mạnh, đi cùng với nhu cầu thế giới tăng lên. Báo cáo của USDA cho thấy mức tồn kho cao hơn trung bình kì vọng của thị trường nhưng vẫn chưa thể khẳng định được mức tồn kho này sẽ đảm bảo được cho nhu cầu nhập khẩu ngô khổng lồ từ Trung Quốc và các nước châu Á. Do đó để đảo chiều xu hướng tăng trung và dài hạn, yếu tố tâm lý thôi là chưa đủ.
Đường và cà phê có thể tiếp tục giảm trước khi phục hồi vào cuối tuần
Kết thúc tuần giao dịch 10/05 – 16/05, giá đường và cà phê đồng loạt giảm, chất dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Giá cà phê Arabica tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa tuần giảm mạnh 5.17% về mức 145.00 cent/pound. Với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, áp lực bán của giá Arabica chủ yếu đến từ việc đồng Real suy yếu trở lại sau 6 tuần tăng liên tiếp. Bên cạnh đấy, áp lực bán chốt lời của giới đầu cơ sau khi giá tăng vọt trong thời gian ngắn, lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2017 cũng buộc giá Arabica phải vào giai đoạn điều chỉnh.
Nông dân Brazil sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hoạch trong thời gian tới và điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, sẽ khiến lực mua có thể chưa quá mạnh vào đầu tuần. Tuy nhiên về dài hạn, nguồn cung giảm tại Brazil cùng kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế khi vaccine được triển khai rộng rãi vẫn sẽ là các yếu tố giúp cà phê có thể duy trì xu hướng tăng.
Về mặt kỹ thuật, đường MACD cắt xuống dưới đường Signal ở trên mức 0 cùng với RSI hướng xuống cho thấy giá có thể vẫn tiếp tục điều chỉnh trong đầu tuần này. Mục tiêu gần nhất sẽ là vùng giá 143.4 tại đường SMA20 và 141.50 tại đường Kijun của chỉ báo Ichimoku.
Giá dầu khó bứt phá khoảng giao dịch trong tuần này
Giá dầu kết thúc tuần với WTI tăng 0.72% lên 65.37 USD/thùng trong khi Brent tăng 0.63% chạm mức 68.71 USD/thùng. Trong tuần, mặc dù có những phiên biến động mạnh nhưng dầu WTI chủ yếu vẫn dao động trong khoảng 63-66 USD/thùng khi các thông tin trên thị trường tác động trái chiều.
Mặc dù cả 3 tổ chức năng lượng lớn là OPEC, EIA và IEA đều đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng tiêu thụ dầu thế giới trong nửa cuối năm 2021 khi Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại nhờ triển khai văc-xin thuận lợi. Tuy nhiên diễn biến dịch tại Ấn Độ và các nước châu Á tiếp tục là áp lực kìm hãm đà tăng và giữ cho giá WTI không thể vượt qua mức kháng cự 66.6 USD/thùng. Dự kiến giá sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới khi OPEC+ bắt đầu gia tăng lại sản lượng và làn sóng COVID mới đang quét qua Đông Nam Á với các biến thể virus mới được tìm thấy ở những khu vực dễ lây lan như như bệnh viện, cơ sở kiểm soát dịch, cửa khẩu và sân bay. Biến thể b.1.617 ở Ấn Độ hiện đã lan qua Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia đe dọa đẩy khu vực này vào tình trạng phong tỏa. Theo số liệu của The economist ngày 12/5, ngoại trừ Singapore, phần lớn các nước ở khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng dưới 10%.