Ngô và lúa mì đang xác nhận xu hướng đảo chiều sau phiên lao dốc không phanh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/06, thị trường nông sản trải qua một phiên “đổ máu” khi giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT đều đồng loạt giảm mạnh. Trong một vài phiên trước, ngô là điểm sáng duy nhất giữ được sắc xanh thì phiên hôm qua đã đánh dấu mức giảm kịch sàn của mặt hàng này. Lúa mì cũng giảm mạnh gần 4% và hợp đồng tháng 7 đã trở lại cao hơn giá ngô.
Số liệu quan trọng nhất trong phiên hôm qua là báo cáo Xuất khẩu - Export Sales hàng tuần. Trong đó, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cho thấy mức giao hàng ngô vẫn ở mức thấp tương đương với tuần trước đó. Ở Argentina, Sở giao dịch hàng hoá BCR cho biết xuất khẩu ngô niên vụ 2020/21 sẽ tăng do sản lượng tăng. Thông tin này kết hợp với chênh lệch phí bảo hiểm và chi phí vận chuyển sẽ càng làm giảm tính cạnh tranh của ngô Mỹ, bất chấp chính sách cho phép nhập khẩu ngô biến đổi gen của Brazil. Nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu đang có dấu hiệu kém hơn là những yếu tố đang tạo sức ép lên giá ngô. Ngoài ra những yếu tố khác ngoài Cung-cầu như đồng USD tăng giá hay chính sách giảm pha trộn nhiên liệu sinh học của Mỹ vẫn đang tiếp tục tác động bearish lên mặt hàng này.
Trong hôm nay, Argentina sẽ diễn ra cuộc biểu tình của hiệp hội công nhân cảng về vấn đề Vacxin Covid-19. Hoạt động này sẽ gây cản trở đến việc xuất khẩu ngô của nước này, ngay trong thời kỳ cao điểm của giai đoạn thu hoạch. Bên cạnh đó, mực nước thấp trên sông Parana đang giới hạn trọng tải tàu chở hàng ở đây cũng sẽ là thông tin hỗ trợ cho giá ngô trong phiên hôm nay. Ngoài ra, việc giá ngô giảm kịch sàn sẽ kích thích các đơn hàng từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, khi trước đó họ vẫn chưa tham gia đấu thầu hoặc chuyển mối quan tâm sang lúa mì vì kỳ vọng giá sẽ xuống thấp hơn. Nếu các đơn hàng lớn từ các nước châu Á xuất hiện thì đây sẽ là yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá ngô.
Giá ngô mở cửa sáng nay đang hồi phục nhẹ lên mức 639 cent/giạ. Giá thấp hơn các đường trung bình động ngắn hạn như SMA 20; MA 9 cho thấy xu hướng giảm giá của ngô. Bollinger Band đang mở rộng dải dưới cho thấy giá ngô thậm chí có thể chạm biên dưới. Hỗ trợ 645 trước đó sẽ chuyển vai trò và trở thành kháng cự đối với ngô. Trong phiên hôm nay, ngô có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh và trong phiên, giá có thể chạm mức hỗ trợ tiếp theo 623 và nếu chạm thì giá khó có thể phá vỡ ngay được mà sẽ quay đầu bật lên từ vùng giá này.
Giá lúa mì hôm qua cũng giảm về mức 669 do ảnh hưởng từ diễn biến kịch sàn của giá ngô. Sở giao dịch Buenos Aires Exchange của Argentina (BAGE) cho biết tốc độ gieo trồng lúa mì ở đây đang được đẩy nhanh, tăng 20% so với tuần trước và đã bắt kịp mùa vụ trước. Thông tin này sẽ hạn chế đà hồi phục của lúa mì trong phiên hôm nay. Ngược lại, giá lúa mì đã giảm gần 20% kể từ vùng đỉnh đầu tháng 5 và đang quay trở lại vùng tích luỹ trước đó đang thúc đẩy mua hàng. Vừa mới đây, uỷ ban Kinh tế Pakistan đã phê duyệt 3 triệu tấn lúa mì niên vụ 2020/21 để xây dựng nguồn dự trữ quốc gia. Các gói đấu thầu lúa mì trong thời gian tới sẽ là yếu tố bullish đối với mặt hàng này.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá lúa mì đã chạm đường biên dưới của dải Bollinger Bands với biên độ đang được mở rộng. Các chỉ báo kĩ thuật vẫn đang ủng hộ xu hướng giảm giá. Trong phiên hôm nay, giá lúa mì có thể sẽ hồi phục nhẹ lên mức 645.
Sắc đỏ có thể tiếp tục duy trì ở thị trường Cà phê
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt giảm. Giá Cà phê Arabica trên sàn ICE US giảm 2.48% về 149.55 cents/pound, giá Cà phê Robusta trên sàn ICE EU giảm 1.94% còn 1569 USD/tấn.
Việc FED đưa ra những tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến khiến cho đồng USD tăng mạnh và gây áp lực lên toàn bộ thị trường hàng hóa, giá Cà phê hai sàn cũng lao dốc vì điều này. Thị trường hàng hóa nói chung và thị trường Cà phê nói riêng trải qua một đợt tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua, khi cả thế giới lo lắng trước nguy cơ nguồn cung eo hẹp. Tuy nhiên đà tăng này khiến cho Chính phủ các nước bận tâm và có những biện pháp kiểm soát giá hàng hóa. Trong “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ các biện pháp nhằm ổn định giá cả của nhóm kim loại công nghiệp, nông sản và các loại hàng hóa quan trọng khác. Bên cạnh đó, việc giá cả hàng hóa đang được giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng khiến cho các nhà đầu tư lo lắng về một siêu chu kì và có phần “chùn bước” khi tiếp tục mua vào ở mức giá cao. Do đó, mức giảm của thị trường lần này có thể là một đợt điều chỉnh giá ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư đang có xu hướng tích lũy tiền mặt. Giá Cà phê trên hai sàn được dự đoán sẽ không biến động quá mạnh trong các phiên sắp tới.
Góc nhìn kỹ thuật cho thấy giá Cà phê Arabica đã trượt khỏi xu hướng tăng và đang test mốc hỗ trợ tâm lý 150 cents/ pound. Nếu lực bán đầu phiên hôm nay mạnh, giá có thể giảm về test mốc hỗ trợ tiếp theo là 146 cents/pound. Ngược lại, nếu phe mua chiếm ưu thế vào đầu phiên, giá có thể test lại mốc kháng cự 160 cents.
Đối với Cà phê Robusta, xu hướng đi ngang đang hình thành ngày một rõ rệt khi giá dao động trong biên độ 1569 – 1600 trong vòng 6 phiên gần đây. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản, giá Robusta khó có thể bứt phá. Nếu lực bán mạnh vào đầu phiên, giá có thể test lại mức hỗ trợ 1550 USD/tấn.
Thị trường kim loại quý điêu đứng trước áp lực thắt chặt và khó có thể hồi phục trong ngắn hạn
Phiên giao dịch ngày 17/6 kết thúc với sắc đỏ bao trùm thị trường kim loại quý do thị trường phản ứng mạnh mẽ với kết quả của cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang.. Giá Bạc giảm mạnh 7.03% về 25.856 USD/ounce, thấp nhất kể từ đầu cuối tháng 4 năm nay. Giá Bạch kim đóng cửa với mức giảm 7.59% về 1055.2 USD/ounce, mức thấp nhất trong 5 tháng gần đây.
Dù mức lãi suất và tốc độ mua tài sản vẫn được giữ nguyên, nhưng FED đã phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, khi thông báo có thể sẽ tăng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn so với dự kiến trước đó. Trong bối cảnh thị trường đi ngang nhiều tuần thì lập trường có tính bước ngoặt này đã làm cho đồng USD tăng mạnh và lập tức gây áp lực lên giá của thị trường kim loại quý. Các nhà đầu tư cũng hoài nghi về triển vọng của thị trường do vai trò trú ẩn của Bạc và Bạch kim trở nên yếu thế so với đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
Có thể thấy, chỉ một thông báo thể hiện sự thay đổi lập trường trong chính sách và không hề có bất kì sự điều chỉnh nào được đưa ra cũng đủ để làm thị trường điêu đứng. Do đó, FED sẽ không ngay lập tức thắt chặt chính sách mà vẫn cần quan sát thêm diễn biến hồi phục của nền kinh tế khi thị trường lao động vẫn tăng trưởng dưới mức kì vọng.
Không chỉ riêng thị trường hàng hóa, sắc đỏ cũng duy trì trên bảng giá của các thị trường đầu tư khác. Chỉ số S&P 500 giảm 0.4% còn 4221.9 điểm, đồng Bitcoin có phiên giảm thứ 3 liên tiếp về 38,000 USD. Có thể thấy, dòng tiền đang được dịch chuyển khỏi các thị trường đầu cơ, và nhu cầu nắm giữ tiền mặt đang gia tăng. Hiện tại, để khẳng định xu hướng thị trường có thay đổi hay không vẫn còn quá sớm với giới đầu tư.
Góc nhìn kỹ thuật cho thấy đồng USD vẫn trong xu hướng giảm, khi chỉ số Dollar Index vẫn nằm dưới đường cản EMA 200, và chỉ số này có thể bị cản tại mốc kháng cự 92 sau hai phiên liên tiếp tăng mạnh.
Đối với Bạc, giá đã thoát khỏi xu hướng đi ngang trong hơn một tháng bằng một phiên giảm mạnh xuyên thủng các hỗ trợ cứng như 27.5 USD và 27 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vẫn nằm trên đường EMA 200 và đường hỗ trợ trendline với vùng hỗ trợ 25 USD/ounce. Trong một vài phiên giao dịch sắp tới, nếu không có các tin tức cơ bản hỗ trợ để giá phục hồi, giá có thể test lại vùng hỗ trợ này.
Ở thị trường Bạch kim, xu thế giảm tiếp tục được củng cố sau khi lực bán mạnh làm giá trượt khỏi đường hỗ trợ EMA 200. Giá Bạch kim có thể tiếp tục giảm về test các mức hỗ trợ 1035 USD và có thể là mức hỗ trợ tâm lý 1000 USD/ounce. Tuy nhiên các nhà đầu tư có thể kì vọng lực mua bắt đáy ở vùng 1000 USD khá mạnh khi Bạch kim hiện đang được giao dịch tương đối rẻ so với các loại hàng hóa khác.