Lực bán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đối với đậu tương trong phiên hôm nay do tác động từ diễn biến của giá khô đậu
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapdown và tiếp tục đà giảm mạnh tới gần 20 cents. Lực bán ồ ạt này chủ yếu đến từ diễn biến lao dốc của giá khô đậu. Hiện tại, đậu tương đã quay trở lại vùng chặn dưới của khoảng đi ngang trong 2 tuần vừa qua. Trong giai đoạn này, mặc dù ghi nhận những phiên biến động mạnh do bị ảnh hưởng từ 2 mặt hàng thành phẩm nhưng xu hướng của đậu tương nhìn chung vẫn giằng co. Bối cảnh triển vọng cung – cầu đậu tương vẫn đang chưa rõ ràng, đặc biệt là về mùa vụ ở Nam Mỹ đang ở trong giai đoạn gieo trồng.
Xét về nguồn cung, tiến độ và tình hình mùa vụ ở Brazil và Argentina sẽ được thị trường quan sát chặt chẽ trong giai đoạn này do đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng giá trong những tháng đầu năm. Tình hình khô hạn ở Argentina khiến hoạt động gieo trồng bị chậm trễ, trong khi tại Brazil tình hình có phần khả quan hơn khi lượng mưa lớnvẫn xuất hiện trên hầu hết cả nước mang lại độ ẩm tích cực cho cây trồng trước khi nảy mầm. Một số khu vực ở phía nam Brazil như Rio Grande do sul dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do khô hạn lan rộng từ Argentina nhưng tác động đến hiện tại vẫn còn quá sớm để đánh giá. Triển vọng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi các cánh đồng đậu tương bước vào giai đoạn phát triển vào tháng 01 và tháng 02 năm sau. Hiện tại, đây vẫn là yếu tố khiến cho giá đậu tương vẫn ở trong xu hướng đi ngang.
Ngoài ra, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Hắc Long Giang - tỉnh sản xuất đậu tương lớn nhất của nước này - đã lập kỷ lục mới về diện tích canh tác và sản lượng trong năm nay. Cụ thể, nông dân tại tỉnh này đã trồng 4.93 triệu héc-ta đậu tương trong năm nay, tăng 26.9% so với năm ngoái. Điều này dẫn tới sản lượng của tỉnh dự báo cũng sẽ đạt 9.54 triệu tấn, giúp phần nào giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, trong bối cảnh lạm phát cũng đang gây sức ép lên nhu cầu.

Giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay do diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Với Arabica, những lo ngại Conab sẽ cắt giảm sản lượng cà phê năm 2022 cùng với lượng mưa lớn được dữ báo sẽ đổ bộ vào Minas Gerais. Với Robusta, tiếp tục là những lo ngại về chất lượng và sản lượng của Việt Nam bị suy yếu do mưa kéo dài trong thời gian thu hoạch.
Theo số liệu từ Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), lượng cà phê Arabica xuất khẩu tình đến ngày 16/12 đạt 1.55 triệu bao loại 60kg, thấp hơn mức 1. 81 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy lượng nguồn cung được đẩy ra thị trường của Brazil là khá thấp trong tháng cuối năm và đây cố thể sẽ là yếu tố kéo giá đi lên.
Về mặt thời tiết, lượng mưa lớn sẽ đổ bổ vào Minas Gerais gây ra lo ngại ngập úng tại các vườn trồng cà phê, gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê trong niên vụ tới tại Brazil. Năm tới là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa một lần tại Brazil và giới phân tích cùng giảm bớt những kỳ vọng tích cự về nguồn cung trong năm tới tại quốc gia này trong những dự đoán gần đây. Điều này sẽ góp phần khiến giá Arabica khởi sắc trở lại.

Giá đồng có thể giao dịch với biên độ hẹp khi các chất xúc tác trong ngắn hạn và dài hạn thiếu sự thống nhất
Giá đồng tăng nhẹ trong sáng nay khi mà thị trường phân vân về triển vọng của nhà tiêu thụ số một thế giới Trung Quốc.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ sáu tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác đã cam kết khôi phục tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%. Đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khi các thành phố Trung Quốc vẫn đang vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Việc nới lỏng các hạn chế chống dịch đã khiến cho số ca nhiễm tăng mạnh, và quốc gia này đã công bố có 11 trường hợp tử vong do kể từ ngày 19 tháng 11.
Những lo ngại về dịch bệnh đang làm lu mờ triển vọng hồi phục sớm của Trung Quốc, và trực tiếp gây sức ép lên giá của một mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng là đồng.
Tính đến hôm nay, tồn kho đồng tại các tỉnh lớn của Trung Quốc ở mức 81,900 tấn, giảm 12,400 tấn so với thứ sáu tuần trước và 4,800 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tuần trước, tỷ lệ hoạt động của các nhà máy đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch Covid-19 nhưng lượng hàng nhập khẩu ít hơn đã khiến cho mức dự trữ giảm.
Việc tồn kho đồng thấp hơn so với năm ngoái và chưa có dấu hiệu tăng, trong khi mùa xây dựng đang đến gần có thể là một chỉ báo cho thấy các hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc vẫn chưa sôi động trở lại. 

Giá dầu vẫn đối diện với áp lực trong ngắn hạn trước sức ép vĩ mô toàn cầu và dịch bệnh Trung Quốc
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh khi Trung Quốc cam kết sẽ tập trung thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm sau, trong bối cảnh dần “cởi nút thắt” cho các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cũng đang có kế hoạch mua bổ sung trước mắt là 3 triệu thùng dầu vào Kho Dự trữ chiến lược sau đợt giải phóng kỷ lục 180 triệu thùng dầu đầu năm nay. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vẫn sẽ đối diện với áp lực vĩ mô và yếu tố dịch bùng phát trong ngắn hạn tại Trung Quốc
Theo công ty dữ liệu vệ tinh Kayrros, việc Trung Quốc bất ngờ chấm dứt chính sách “Không Covid” đang thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu cho giao thông vận tải, với nhu cầu nhiên liệu mát bay trung bình tăng 75%, tương đương gần 170,000 thùng mỗi ngày trong 2 tuần gần đây. Trước đó, hãng tin Caixin đưa tin rằng Trung Quốc có kế hoạch tăng cường và khôi phục lượng chuyến bay hàng ngày lên 70% so với mức của năm 2019. Giai đoạn 1 sẽ tăng số chuyến bay mỗi ngày tối đa 11,280 chuyến trước ngày 6/1 và sau đó sẽ tăng lên 13,667, tương đương với khoảng 88% so với mức năm 2019. Nhu cầu nhiên liệu phục hồi, với việc các nhà máy lọc dầu cũng đang tận dụng mức hạn ngạch, sẽ có thể hỗ trợ cho giá phục hồi. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết tập trung vào việc ổn định nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD vào năm 2023 trong Hội nghị Kinh tế vừa qua, với các định hưởng dần xoay chuyển, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và bất động sản vốn bị “đàn áp” trong thời gian trước. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc lấy lại mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm sau.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng việc mở cửa đang gây ra áp lực nhất định trong ngắn hạn khi hàng loạt người nhiễm bệnh, cách ly đang gây ra gián đoạn kinh doanh sản xuất. Trong khi bối cảnh kinh tế vĩ mô với lo ngại suy thoái kinh tế vẫn còn đang khá tiêu cực. Do đó, giá dầu có thể vẫn sẽ gặp áp lực trong cuối năm trước khi phục hồi trở lại.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)