Giá dầu có thể tiếp tục giảm trong phiên hôm nay

Giá Dầu tiếp tục giảm trong phiên hôm qua do áp lực gia tăng nguồn cung khi Tổng thống Iran tuyên bố nước này sắp được Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu. Kết thúc phiên giao dịch, Dầu WTI giảm 2.23% xuống 61.94 USD/thùng và Dầu Brent giảm 2.19% xuống 65.07 USD/thùng.

Mặc dù các thỏa thuận đàm phán chưa được ký kết chính thức và phía Mỹ chưa đưa ra thông báo nào, tuy nhiên thông tin từ phía Tổng thống Iran ngay lập tức tác động tiêu cực đến giá Dầu. Theo ước tính của Citigroup, sản lượng Dầu thô của Iran có thể tăng từ mức 2.4 triệu thùng lên 4 triệu thùng – bằng với mức sản lượng trước cấm vận chỉ trong vòng vài tháng.

Ở chiều ngược lại, thông tin nhập khẩu Dầu thô của Ấn Độ tăng 10.3% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp làn sóng COVID cho thấy tiêu thụ Dầu tại đây không giảm sâu như một số chuyên gia dự kiến. Ngoài ra, các nước OPEC+ đạt tỷ lệ tuân thủ cắt giảm sản xuất đạt 113% trong tháng 4 cho thấy các nước thành viên vẫn đang giới hạn sản lượng theo lộ trình dự kiến. 2 thông tin này đã hỗ trợ giá không giảm quá sâu trong ngày hôm qua. 
Giá Dầu có khả năng tiếp tục giảm trong phiên hôm nay khi không còn các tin tức cơ bản để hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, giá đã đi xuống dưới EMA 50 – vốn được coi là đường kháng cự động khá vững. Kết hợp với đường MACD cắt xuống dưới, khả năng cao giá Dầu WTI sẽ xuống dưới vùng 60 USD/thùng trong hôm nay.(Theo Hồng Hoa - MXV)
Ngô vẫn là điểm sáng của thị trường, đậu tương có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ
Diễn biến các mặt hàng nông sản ngày hôm qua cũng tương tự như ngày 19/05, khi ngô lại tiếp tục là điểm sáng duy nhất tăng giá giữa sắc đỏ của thị trường. Phiên bán tháo ngày 19/05 do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tiền điện tử đã khiến cho các nhà đầu tư thận trọng hơn. Đậu tương cũng đã trải qua phiên giảm thứ 3 liên tiếp nhưng mức giảm đã nhỏ dần cho thấy khả năng giá sẽ tìm lại được nền tích luỹ mới để tăng trở lại trong tuần tới. 
Giá ngô kết phiên 20/05 tăng gần 1% lên mức 664.5 cent/giạ. Trong gần 2 tuần nay, Trung Quốc liên tục nhập khẩu ngô từ Mỹ với khối lượng mỗi đơn hàng đều hơn 1 triệu tấn. USDA cũng dự báo nước này sẽ nhập khâủ hơn 26 triệu tấn ngô cho niên vụ 2021/22, tăng vọt so với mức 7.6 triệu tấn trong năm ngoái. Những số liệu này chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy triển vọng về nhu cầu ngô đang tăng lên khi ngành chăn nuôi lợn đang hồi phục trở lại sau đợt dịch tả lợn. Đây là yếu tố “bullish” mạnh và sẽ tiếp tục hỗ trợ giá ngô không bị giảm sâu nếu thị trường có điều chỉnh mạnh.

Mở cửa phiên sáng nay, giá ngô đang giảm nhẹ về quanh vùng 660. Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, giá vẫn đang tích luỹ trong dải dưới của Bollinger Bands. Có thể trong tuần sau, giá sẽ break lên, phá vỡ nền tích luỹ hiện tại để tiến tới vùng kháng cự quanh 675.

Tong hop cac ban tin ngay

Đậu tương giảm nhẹ 0.33%, về mức 1533.25 cents/giạ. Nửa đầu phiên, giá mặt hàng ngũ cốc này đã tăng mạnh do diễn biến phức tạp và kéo dài hơn của cuộc đình công ở cảng Argentina làm ảnh hưởng 80% khối lượng xuất khẩu của nước này trong thời điểm giai đoạn thu hoạch đang diễn ra. Tuy nhiên, theo báo cáo Xuất khẩu mới nhất của USDA, doanh số bán hàng đậu tương của Mỹ tuần vừa rồi ở mức thấp và đang giảm nhẹ là yếu tố đã củng cố lực bán trong phiên hôm qua.

Thị trường đậu tương vẫn đang trong xu hướng giảm ngắn hạn và vẫn chưa có thêm thông tin cơ bản nào hỗ trợ giá. Về dài hạn, thị trường đậu tương có thể tiếp tục thắt chặt dự trữ do lượng tiêu thụ mạnh, nhưng thời tiết ngắn hạn thuận lợi ở các vùng gieo trồng chính của Mỹ như Vành đai ngô, Dakotas và tình trạng bán tháo của thị trường được coi là yếu tố tiêu cực với giá.

Hiện tại, giá đậu tương vẫn đang giảm nhẹ quanh vùng 1525 cent/giạ. Có thể trong một vài phiên tới, giá sẽ điều chỉnh quay về mức hỗ trợ 1500 trước khi tìm điểm cân bằng để tích luỹ trở lại. (Theo Khánh Linh -MXV)

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)