Giá đậu tương nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục chịu sức ép trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/06, cùng với diễn biến của các mặt hàng nông sản, giá đậu tương cũng rơi mạnh hơn 2% chỉ trong phiên sáng nay. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng, đây có thể không chỉ là nhịp suy yếu ở trong khoảng đi ngang mà lực bán có thể sẽ kéo dài và xác nhận điểm đảo chiều cho xu hướng mới.
Giá nông sản thường có tính chu kỳ khi lập đỉnh vào quý 2, khi yếu tố duy nhất có ảnh hưởng tới giá nhất trong giai đoạn này là thời tiết gieo trồng tại Mỹ. Mùa vụ đậu tương hiện tại đang có khởi đầu khá tốt với tiến độ gieo trồng tương đương với các năm trước, thời tiết cũng chưa quá ảnh hưởng tới năng suất cây trồng do độ ẩm đã được bổ sung cho đất do mưa lớn vào tháng trước. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất, đặc biệt là trước khi đậu tương bước vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất. Năm ngoái, giá đậu tương cũng lao dốc vào cuối tháng 6 và sau đó xác nhận xu hướng giảm cho tới cuối năm. Nếu như năm nay, khô hạn trong thời gian tới không quá khắc nghiệt thì khả năng giá cũng bước vào chu kỳ mới như năm ngoái thì cũng sẽ cao hơn.
Trong tuần vừa rồi, không có đơn hàng Daily Export Sales mới được ghi nhận, cùng với đó giao hàng đậu tương Mỹ trong báo cáo Export Inspections cũng thấp hơn. Điều này cho thấy nhu cầu đậu tương Mỹ trong giai đoạn này đang suy yếu và sẽ củng cố cho xu hướng giảm hiện tại.
Dưới góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương cũng đang hướng về vùng hỗ trợ là đường trendline hướng lên được thiết lập bởi 2 vùng đáy trước đó. Chính vì thế, với lực bán hiện tại thì giá có khả năng sẽ tiếp tục hướng về vũng chặn dưới này.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ nối dài đà giảm trước triển vọng nhu cầu tiêu cực
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá đồng tiếp diễn đà giảm bất chấp các thông tin gián đoạn từ phía nguồn cung tại Chile. Hiện tại, sự tập trung của thị trường đang hướng tới những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trong tương lai trước áp lực gia tăng về suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Fed trong phiên điều trần với Quốc hội đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại lạm phát và lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Giá năng lượng tăng vọt vốn là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát lại đang cho thấy tín hiệu giảm trong các phiên giao dịch gần đây. Điều này khiến cho tâm lý các nhà đầu tư càng tin vào kịch bản rằng nền kinh tế đang tiến vào thời kỳ suy thoái, do đó, tạo ảnh hưởng dây chuyền tác động tới giá các mặt hàng khác, trong đó có kim loại đồng, vốn là thước đo sức khoẻ nền kinh tế và là đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Tại Trung Quốc, mới đây, chủ tịch Tập Cận Bình trong một bài phát biểu quan trọng tại một diễn đàn kinh doanh cam kết sẽ "tăng cường điều chỉnh chính sách vĩ mô và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng”. Thủ tường Lý Khắc Cường cũng đã công bố một loạt các biện pháp, bao gồm có thể mở rộng miễn thuế đối với việc mua xe năng lượng mới và thúc đẩy thị trường xe hơi đã qua sử dụng. Tuy nhiên, những cam kết chưa đi kèm với hành động này dường như là không đủ để cải thiện tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người dân vốn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài. Do đó, nền sản xuất nước này ít nhận được động lực thực sự cho việc phục hồi.
Tại thị trường tiêu thụ đồng lớn thứ 2 trên thế giới cũng đang cho thấy sự khó khăn trong hoạt động sản xuất. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Nhật Bản tháng này đã giảm xuống mức 52.7 từ 53.3 điểm vào tháng trước, đánh dấu mức tăng chậm nhất từ hồi tháng 2. Tăng trưởng hoạt động nhà máy của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng Sáu do các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất. Tổng số đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong vòng 9 tháng do gián đoạn chuỗi cung ứng. Vai trò đầu vào sản xuất của đồng cho các hoạt động kinh tế của quốc gia này do vậy cũng gặp áp lực lớn.

Giá dầu có khả năng sẽ duy trì đà giảm khi các yếu tố cơ bản chỉ ra sự suy yếu trong nhu cầu
Ngày hôm qua, thị trường dầu ghi nhận mức giảm mạnh với giá WTI giảm 3.04% xuống 106.19 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2.54% xuống 111.74 USD/thùng. Hôm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một phiên giao dịch kết thúc với bảng giá đóng cửa trong sắc đỏ.
Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính đẩy giá dầu giảm gần 16% kể từ mức đỉnh ngày 14/06. Chỉ trong chưa đầy 10 ngày, bức tranh thị trường đã thay đổi toàn bộ sắc thái, với các cảnh báo về “hủy diệt” nhu cầu ngày càng xuất hiện nhiều trở lại, bất chấp việc nguồn cung dầu vẫn đang có dấu hiệu này càng thắt chặt, với một loạt các sự cố tại các Libya và Ecuador khiến cho sản lượng dầu đang giảm vài trăm nghìn thùng/ngày. Thông thường, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường, nhất là sau khi EU đã chính thức đưa ra thông báo sẽ dần ngừng nhập khẩu dầu của Nga từ cuối năm nay, và tạo ra khả năng thiếu hụt dầu nặng nề trên thị trường. Tuy vậy, sau khi giá xăng trung bình tại Mỹ chạm mốc 5 USD/gallon, kết hợp với báo cáo dầu khí của EIA trong tuần trước cho thấy tiêu thụ xăng dầu đã giảm xuống dưới trung bình 5 năm, một lần nữa đã dấy lên lo ngại về nhu cầu suy yếu khi sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm. Báo cáo sáng nay của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô và xăng tăng mạnh lần lượt 5.6 triệu thùng và 1.2 triệu thùng cũng phần nào gợi ý nhu cầu tiêu thụ đã có dấu hiệu chững lại, mặc dù giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7 thường là cao điểm nhu cầu đi lại tại Mỹ. Thêm vào đó, kết quả cuộc họp của Bộ Năng lượng Mỹ với các tập đoàn năng lượng lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường trong tương lai. Trong trường hợp chính phủ Mỹ thành công thuyết phục các công ty tăng sản lượng, kết hợp với khả năng báo cáo EIA tối nay đưa ra dữ liệu cho thấy tiêu thụ nhiên liệu nối tiếp đà suy yếu, giá có thể sẽ đánh mất mốc 100 USD/thùng.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu rơi xuống cạnh dưới của Bollinger Bands, sau một loạt phiên giảm mạnh. RSI cũng hướng sâu xuống phía dưới, với MACD cắt sâu xuống dưới đường Signal. Giá liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ mạnh, tuy nhiên trong phiên vẫn liên tục có các giằng co mạnh. Kết hợp việc thị trường chờ đợi các tin tức từ Mỹ, rủi ro giá biến động lớn trong phiên hôm nay là khá cao, do đó không nên mở vị thế mới.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV