Các tín hiệu kĩ thuật trái chiều có thể khiến giá đậu tương giằng co mạnh trong phiên hôm nay
Giá đậu tương mở cửa sáng nay đang tiếp tục đà tăng. Sau khi lấy lại hoàn toàn mức giảm từ đầu tuần thì giá đậu tương chỉ tăng nhẹ với diễn biến giằng co mạnh giữa bên mua và bán. Điều này càng củng cố cho quan điểm vùng giá hiện tại đang phản ánh khá đúng mối quan hệ giữa cung cầu, thay vì bị tác động bởi các thông tin ảnh hưởng đến dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn.
Nhịp tăng gần đây của giá đậu tương đang dừng lại ở cây nến Doji trong phiên hôm qua cho thấy tín hiệu lực mua đang trở nên yếu dần. Cùng với áp lực bán ở mức kháng cự tâm lí 1300 thì trong phiên hôm nay, giá đậu tương sẽ khó duy trì được đà tăng.
Trước những thông tin thời tiết khô ráo cho giai đoạn thu hoạch vụ mùa tại Mỹ củng cố triển vọng về nguồn cung đậu tương tích cực hơn, các số liệu trong các báo cáo gần đây lại cho thấy xuất khẩu kém đi rõ rệt. Doanh số xuất khẩu tuần trước chỉ đạt hơn 900,000 tấn trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 cùng kì năm ngoái.
Khánh Linh
Tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US sẽ hỗ trợ giá Arabica, giá Robusta có thể sẽ quay đầu giảm
Kết thúc phiên 23/9, giá Arabica bứt phá mạnh mẽ 3.11% lên 190.6 cents/pound, giá Robusta tăng khiêm tốn hơn chỉ 0.2% lên 2146 USD/tấn.
Nếu như trong các giai đoạn trước, dòng tiền đổ về thị trường Robusta nhằm đầu cơ trước những lo ngại về dịch bệnh ở Việt Nam và những khó khăn trong chuỗi cung ứng ở Châu Á, thì đến tuần này, dòng tiền đã được rót sang thị trường Arabica. Bên cạnh các thông tin cho thấy sản lượng Arabica sụt giảm ở báo cáo của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên sở ICE US giảm mạnh cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica đi lên. Mức tồn kho đạt chuẩn này vốn được duy trì ổn định ở mức trên 2.17 triệu bao trong tháng 7 và trên 2.16 triệu bao từ tháng 8, mới đây đã giảm mạnh xuống chỉ còn 2.12 triệu bao chỉ trong vòng 2 phiên.
Có thể thấy, các nhà đầu tư đang thực sự tỏ ra lo ngại về nguồn cung ở Brazil, ngay cả khi dự báo thời tiết cho thấy các khu vực trồng cà phê ở Brazil sẽ có mưa từ cuối tuần này.
Tiên Phạm
Hai kịch bản cho các nhà đầu tư kim loại quý sau bài phát biểu của chủ tịch FED tối nay
Kết thúc phiên 23/9, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt suy yếu. Giá bạc dẫn đầu đà giảm với mức đóng cửa thấp hơn 1% còn 22.7 USD/ounce. Giá bạch kim đánh mất mốc 1000 USD giảm 0.4% về 997 USD/ounce.
Sau chuỗi tăng mạnh vừa qua, thị trường kim loại quý có một phiên giảm điều chỉnh bất chấp sự suy yếu của đồng USD. Số đơn xin đề nghị trợ cấp tuần này tăng lên 351,000 đơn, làm cho chỉ số Dollar Index giảm về 92.99 điểm. Các số liệu kinh tế của tuần này dường như đều lu mờ trước những thông tin về cuộc họp vừa qua của FED. Thời gian mà FED tiến hành thu lại các chương trình hỗ trợ ngày càng gần khiến cho giá của bạc và bạch kim khó có thể bứt phá. Tuy nhiên, khi kinh tế và các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại, áp lực lạm phát sẽ gia tăng và hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim trong một giai đoạn ngắn.
Trong hôm nay, Chủ tịch FED Jerome Powell và một số thành viên khác sẽ có bài phát biểu. Giới đầu tư đang rất trông đợi vào những nội dung chi tiết hơn so với những gì được công bố trước đó trong cuộc họp ngày 23/9 vừa qua. Đồng USD có thể biến động mạnh sau đó và tác động gián tiếp lên giá của các mặt hàng kim loại quý.
Tiên Phạm
Giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay nhờ nguồn cung thắt chặt do thiếu đầu tư
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng 1.48% lên 73.3 USD/thùng, Brent tăng 1.42% lên 76.46 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung suy yếu.
Mặc dù vấn đề nguồn cung thiếu hụt trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng này do hậu quả của các thiên tai bất ngờ, tuy nhiên chính các chính sách thúc đẩy chuyển hướng sang năng lượng xanh cũng khiến cho năng lực tăng sản lượng bị hạn chế. Một loạt các chính sách bảo vệ môi trường đưa ra khiến cho các khoản đầu tư dành cho các nhiên liệu hoá thạch bị cắt giảm.
Tính trung bình, sản lượng từ các giếng dầu sẽ giảm 30% trong năm đầu tiên, và giảm tiếp 10%-15% trong các năm còn lại. Để duy trì sản lượng hiện có hoặc gia tăng sản xuất, các công ty dầu phải liên tục xây dựng các giếng mới. Các giếng dầu đã khoan nhưng chưa đi vào hoạt động được gọi là DUC, được xem như chỉ báo để đánh giá năng lực sản xuất cũng như khả năng gia tăng sản lượng của công ty trong tương lai.
Theo thống kê từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, số DUC đã liên tục suy giảm kể từ tháng 6/2020, và hiện xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017, khi các công ty tại Mỹ phản ứng với nhu cầu sụt giảm do dịch COVID-19 bằng cách cắt giảm đầu tư vào các dự án mới.
Hồng Hoa