Lực mua sẽ được đẩy mạnh trở lại đối với đậu tương nếu số liệu bán hàng của Mỹ tuần này tích cực hơn
Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/08, giá đậu tương lấy lại được sắc xanh sau phiên suy yếu trước đó. Nhìn chung, trong giai đoạn này, giá đang được hỗ trợ rất mạnh từ các yếu tố cơ bản khi cuộc khảo sát mùa vụ Crop Tour vẫn đang diễn ra và liên tục cho thấy những hình ảnh và số liệu tiêu cực thu thập được từ những cánh đồng ở Midwest. Chính vì thế nên giá sẽ khó có thể giảm sâu trong phiên và nhà đầu tư nên ưu tiên mở vị thế mua hơn.
Kết quả ngày khảo sát thứ 3 tại 2 bảng sản xuất đậu tương lớn nhất của Mỹ là Iowa và Illionois vẫn tiếp tục củng cố cho khả năng mùa vụ năm nay đang kém hơn so với năm ngoái, và trái ngược với dự báo cải thiện trong báo cáo tháng 8 của USDA. Tình trạng cây trồng cũng tệ hơn ở phía tây nhưng so với các bang đã khảo sát 2 ngày trước thì chất lượng cây trồng vẫn được đánh giá cao. Tại Illinois, sự thiếu hụt độ ẩm khoảng 4.5 inch vẫn là một vấn đề với cây trồng. Nếu không sớm có mưa, năng suất đậu tương sẽ khó có thể đạt mức dự báo của USDA là 66 giạ/mẫu. Trong khi đó, số lượng vỏ đậu tương trên diện tích 3x3 foot vuông cũng cao hơn so với năm trước ở vùng tây bắc và trung tây của Iowa, trong khi số lượng vỏ đậu tương đếm được tại khu vực tây nam kém khả quan hơn. Mặc dù các số liệu này không phải là yếu tố tác động “bullish” tới giá nhưng nhìn chung, sau 3 ngày khảo sát chúng tôi vẫn đánh giá năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 22/23 sẽ khó có thể cao hơn năm ngoái.
Bên cạnh những lo ngại về nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng là 1 yếu tố mà thị trường cần quan tâm và có ảnh hưởng tới giá đậu tương trong giai đoạn tới, khi Mỹ chuẩn bị thu hoạch. Đây là lúc mà nguồn cung sẵn có dồi dào và là lúc Mỹ đẩy mạnh bán hàng mỗi niên vụ. Nếu như khối lượng bán hàng hàng tuần trong báo cáo Export Sales tối nay tăng đáng kể thì cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho giá. 

Arabica nhiều khả năng đảo chiều trong phiên hôm nay do kỳ vọng tâm lý chốt lời từ giới đầu cơ làm lực bán chiếm ưu thế

Kết thúc phiên giao dịch 24/08, hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh, trong đó Arabica tăng gần 5%, giúp giá đạt mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua, Robusta cũng ghi nhận mức giá kỷ lục trong vòng 06 tháng qua. Những lo ngại về nguồn cung suy yếu khi khô hạn kéo dài kết hợp với đợt không khí lạnh vào cuối tháng là nguyên nhân chính đẩy giá cà phê duy trì đà tăng 3 phiên liên tiếp.
Xu hướng tăng của Arabica trong những ngày vừa qua nhiều khả năng sẽ đổi chiều khi thị trường kỳ vọng sức ảnh hưởng từ các thông tin cơ bản về lo ngại nguồn cung thâm hụt sẽ suy yếu và tâm lý chốt lời sau chuỗi phiên giá tăng mạnh của giới đầu cơ sẽ giúp cho lực bán trở lại chiếm ưu thế trong phiên hôm nay.
Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US tăng liên tiếp kể từ ngày 15/08, nhờ hỗ trợ của việc phân loại lại gần 270 nghìn bao loại 60kg được Brazil chuyển cho ICE từ 02 năm trước. Theo báo cáo mới nhất về tồn kho của mặt hàng nàytrên ICE, hiện vẫn còn hơn 160 nghìn bao đang chờ được phân loại tiếp, kết hợp với lượng tồn kho mới được bổ sung vào khi tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil đang gấp rút hoàn thành. Điều này được kỳ vọng sẽ phần nào hạn chế đà tăng do những lo ngại nguồn cung cà phê niên vụ 22/23 bị thu hẹp.
Về mặt kỹ thuật, giá đang nằm ngoài dải trên của Bollinger mở rộng, RSI cũng vượt mức qua mua ở 78.79%, khả năng cao, Arabica trong phiên hôm nay sẽ có nhịp hồi sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp. Thêm vào đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 đang gặp phải lực cản từ mức kháng cự 240.00 cents. Kỳ vọng giá sẽ hồi về mức 236.00 cents.

Giá đồng có thể dao động với biên độ hẹp trong khi chờ đợi thông tin từ Chủ tịch Fed

Lực mua nhiều khả năng sẽ quay trở lại thị trường đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Tuy nhiên, mức thay đổi có thể sẽ không quá mạnh khi thị trường vẫn đang thận trọng hướng về những phát biểu của Chủ tịch Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) trong Hội nghị kinh tế Jackson Hole được khai mạc từ tối nay.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố chính sách mới bao gồm 19 điểm trong một nỗ lực giải cứu tăng trưởng kinh tế, trị giá hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trọng tâm của gói kích thích này hướng đến việc cung cấp nguồn tín dụng dồi dào nhằm thúc đẩy đầu tư cơ hạ tầng và hỗ trợ cho các dự án bất động sản đang bị đình trệ trong cuộc khủng hoảng kéo dài. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp và hôm qua cũng đã đưa ra cam kết sẽ phê duyệt các dự án đầu tư nhằm nhanh chóng tiến hành thực thi, thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. Giá đồng nhiều khả năng sẽ phản ứng tích cực trước thông tin này trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, đà tăng sẽ không quá mạnh mẽ khi cả yếu tố vĩ mô và triển vọng nhu cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc khiến trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới, Trùng Khánh, phải gia hạn chính sách phân bổ năng lượng do nắng nóng và hạn hán kéo dài. Điều này có thể khiến nhu cầu về đồng cho các nhà máy sản xuất suy yếu do phải đóng cửa bở tình trạng cắt điện và khiến giá đồng đối diện với áp lực.
Trong khi đó, về yếu tố vĩ mô, thị trường kim loại nói chung và đồng nói riêng sẽ tập trung hướng tới các manh mối về động thái tăng lãi suất của Fed trong tương lai, sẽ được phân tích trong bài phát biểu của chủ tịch Fed tại Hội nghị Jackson Hole kéo dài 2 ngày, bắt đầu khai mạc vào tối nay. Nếu như những bình luận tiếp tục cho thấy thái độ cứng rắn trong việc kiềm chế lạm phát, thị trường đồng có thể sẽ chịu sức ép khiến giá giảm trở lại.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng nhiều khả năng sẽ hướng tới mức khánh cự 3.71 USD/pound và khó có thể phá vỡ kháng cự khi vẫn còn chịu tác động của các thông tin cơ bản trái chiều. Có thể mở mua khi giá hồi về 3.65 USD/pound với kỳ vọng chốt lời lại 3.71 USD/pound. Cắt lỗ tại 3.61 USD/pound. 

Giá dầu có thể tăng nhưng sẽ cần thận trọng trước áp lực chốt lời do yếu tố kỹ thuật

Đà phục hồi của giá dầu tiếp tục được duy trì trong sáng nay, khi mà những yếu tố về cung cầu tiếp tục hỗ trợ rất tích cực cho giá.
Số liệu từ báo cáo tuần của EIA mặc dù cho thấy tiêu thụ xăng dầu nội địa của Mỹ suy yếu, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu khác như dầu diesel của Mỹ trong tuần trước là đã tăng lên 11 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 2/1991.
Điều này phản ánh việc các đối tác của Mỹ ở khu vực Châu Á và Châu Âu vẫn chưa vượt qua “cơn khát dầu”. Trong bối cảnh đó, việc đàm phán hạt nhân giữa phương Tây và Iran vẫn chưa có tiến triển rõ ràng, còn OPEC+ lại đang cân nhắc cắt giảm sản lượng đã khiến cho giá hồi phục hồi khá tốt, và có thể sẽ có phiên tăng thứ 7 trong hôm nay.
Ngoài những lo ngại về nguồn cung, triển vọng tiêu thụ cũng có thể góp phần nâng đỡ cho giá nhờ vào việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 146 tỷ USD. Mặc dù quy mô của gói chính sách không đáng kể so với quy mô của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, tuy nhiên những động thái liên tiếp của các nhà chức trách, từ việc hạ lãi suất, tới các biện pháp hỗ trợ đều cho thấy Bắc Kinh vẫn sẽ cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 5.5%.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI đã vượt qua cạnh giữa của Bollinger Band rất mạnh mẽ, và sức mua cũng được xác nhận bởi chỉ số RSI. Biểu đồ kỹ thuật cho thấy giá có thể test lại mức kháng cự 97 USD tương đương với cạnh trên của Bollinger Band và Fibonacci 38.2. Nhà đầu tư nên đợi giá điều chỉnh về 94 USD và mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 96.5 USD, trước mức kháng cự cứng để tránh áp lực chốt lời.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV