Dòng tiền vào mạnh trước lo ngại về nguồn cung, giá các mặt hàng ngũ cốc bật tăng

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, thị trường nông sản hoàn toàn được bao phủ bởi sắc xanh. Ngô là mặt hàng tăng mạnh nhất với mức tăng 10.24%, lên 632.5 cents/giạ. Trong khi giá lúa mì cũng có bước nhảy vọt lên 712.25 cents/giạ, cao hơn 8.74% so với tuần trước đó. Tuần vừa rồi, 2 loại ngũ cốc này đều trải qua chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp với tổng trạng thái mua ròng ngô cao kỉ lục chứng tỏ tâm lí hưng phấn của giới đầu cơ trước xu hướng này.

Với ngô, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng tăng, các thông tin bất ổn về thời tiết ở những vùng gieo trồng lớn của thế giới tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá. Ở Brazil, tình trạng khô hạn kéo dài hơn 1 tháng qua và được dự báo là sẽ tiếp diễn, gây nên sự thiết hụt độ ẩm trầm trọng của cây trồng. Thời tiết khô và lạnh khu vực vành đài ngô ở Mỹ cũng chưa có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, Sở giao dịch Buenos Aires Exchange của Argentina (BAGE) cũng vừa mới đưa ra cảnh báo tiến độ thu hoạch ngô đang bị chậm trễ bởi những cơn mưa kéo dài trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) chi nhánh Argentina vừa đưa ra dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/22 của nước này ở mức 50.0 triệu tấn, cao hơn 3 triệu tấn so với niên vụ 2020/21, sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn với giá ngô.

Giá ngô tăng mạnh là 1 trong những yếu tố kéo theo giá lúa mì tăng do các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem xét thay ngô bằng lúa mì để cung cấp ngũ cốc trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tác nhân giúp lý giải cho đà tăng của lúa mì còn là những lo lắng về nguồn cung thắt chặt đang ngày càng rõ ràng hơn. Theo hãng từ vấn IKAR, dự báo sản lượng lúa mỳ trong năm 2021 của Nga sẽ giảm từ 81.0 về mức 79.5 triệu tấn do hiện tượng “Winter kill” (Hiện tượng cây lúa mì bị băng giá phá hoại, khi không được tuyết bao phủ đầy đủ). Ở Mỹ, 78% diện tích lúa mỳ vụ xuân đang ở trong điều kiện hạn hán trung bình – nghiêm trọng, so với 75% tuần trước. Thời tiết khắc nghiệt như hiện tại được cho là sẽ gây thiệt hại cả về chất lượng và sản lượng của mùa vụ lúa mì năm nay.

Giá cà phê, bông và cacao có thể sẽ đi ngang trong đầu tuần này

Kết thúc tuần giao dịch 19/04 – 25/04, ngoại trừ cacao thì các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp còn lại đang được giao dịch liên thông quốc tế tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đều tiếp tục tăng mạnh.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tuần tăng rất mạnh 5.56%, lên mức 138.50 cent/pound. Đây đã là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này, và lấy lại phần lớn những gì đã mất trong suốt tháng 3. Kỳ vọng vào nhu cầu sẽ phục hồi sau khi Mỹ công bố các chỉ số kinh tế tích cực, kết hợp với đồng Real mạnh lên do đồng Dollar tiếp tục suy yếu, là nguyên nhân chính hỗ trợ giá các loại hàng hóa nói chung và giá cà phê nói riêng trong suốt tuần vừa rồi.

Nông dân Brazil chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch Arabica, bắt đầu từ đầu tháng 5. Thời tiết được dự báo sẽ tương đối khô tại Minas Gerais trong thời gian tới, giúp cho việc thu hoạch diễn ra thuận lợi và các hoạt động bán hàng sẽ chậm lại.

Về mặt kỹ thuật, giá đang trong xu hướng tăng mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Các chỉ báo như MACD, RSI hay Ichimoku đều đang củng cố cho xu hướng tăng này. Mở cửa phiên sáng nay, nhóm nông sản vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, có thể tác động tích cực đến diễn biến của nhóm công nghiệp. MXV News dự đoán, giá Arabica có thể tiếp tục test lại kháng cự tâm lý 140 cents trong 1, 2 phiên tới.

Giá kim loại cơ sở nhiều khả năng sẽ diễn biến trái chiều trong tuần này

Kết thúc tuần giao dịch 19 – 25/04, giá các mặt hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hầu hết đều cho thấy sự khởi sắc. Số liệu kinh tế vĩ mô tích cực, cùng với nhu cầu kim loại gia tăng trên toàn cầu đã khiến các mặt hàng kim loại công nghiệp tăng điểm trong tuần giao dịch vừa qua.

Giá kim loại quý đóng cửa với diễn biến trái chiều, với giá bạc giảm nhẹ 0.11% xuống còn 26.075 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 2.02% lên mức 1233.1 USD/ounce. Đồng USD tiếp tục giảm ở tuần thứ ba liên tiếp, phá vỡ mức hỗ trợ 91.0, qua đó đóng cửa ở mức 90.86 điểm và hỗ trợ cho lực mua của nhóm kim loại quý.

Giới đầu tư tiếp tục kì vọng vào tỉ lệ lạm phát gia tăng trên thị trường làm căn cứ để vào lệnh trong tuần vừa qua. Lần lượt các chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tại một số quốc gia phát triển được công bố đều cho thấy sự tăng điểm, thể hiện rằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng chính đều tăng trong thời gian vừa qua, qua đó làm rõ sự gia tăng của tình trạng lạm phát trên thị trường.

Tỉ lệ lạm phát kì vọng cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mức tăng của hai mặt hàng kim loại quý trong tuần giao dịch tới. Bên cạnh đó, đây cũng là tuần giao dịch được kì vọng sẽ mang đến sự biến động rất mạnh đối với kim loại quý nói riêng và các mặt hàng kim loại nói chung, do sự đa dạng của các báo cáo cũng như chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố trong tuần này. MXV News dự đoán, giá bạc và bạch kim sẽ tiếp tục tăng điểm, tuy nhiên đà tăng sẽ phần nào bị hạn chế khi tỉ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ giảm và nền kinh tế nước này hồi phục mạnh.

Giá dầu thô WTI có thể sẽ quay đầu giảm trong phiên hôm nay

Đóng cửa tuần trước, giá dầu thô giảm hơn 1.5% xuống 62.14 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, MXV News dự đoán giá sẽ giảm do tình hình đại dịch tại Ấn Độ đang rất phức tạp. Số ca nhiễm hàng ngày tại đây liên tục tạo kỷ lục thế giới trong những ngày vừa qua với 349,691 ca nhiễm mới vào thứ Bảy. Số lượng người tử vong cũng đã lập mức cao kỷ lục, có hơn 2,767 người thiệt mạng do Covid-19 vào cuối tuần qua. Điều này đang gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của Ấn Độ khi mọi thứ đều gặp tình trạng thiếu hụt, từ giường bệnh, máy thở cho đến thuốc.

Tại Nhật Bản, một quốc gia tiêu thụ lớn khác trên thế giới, thì tình hình cũng không khả quan hơn. Chính phủ đang chuẩn bị cho một đợt hạn chế ngắn ngày trên khắp cả nước để giảm thiểu số ca nhiễm trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần. Dự kiến tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng tại Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto từ ngày 25/04 đến 11/05. Nhu cầu dầu thô tại Nhật Bản chắc chắn sẽ giảm trong những ngày tới vì các biện pháp này chặt chẽ hơn nhiều so với 2 đợt trước đó. Khi 2 quốc gia tiêu thụ lớn tại châu Á cũng như trên thế giới đối mặt với tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, rất khó để giá dầu có thể tiếp tục đà tăng trong ngắn hạn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam