Ngô tiếp tục tăng trần, lúa mì bứt phá mạnh mẽ

Ngô và lúa mì tiếp tục là 2 mặt hàng tăng mạnh nhất, đóng góp vào sắc xanh của thị trường nông sản ngày hôm qua. Vừa bước vào phiên giao dịch đầu tuần này, bên mua đã nhanh chóng áp đảo và duy trì ưu thế giúp ngô kết phiên ở mức giá kịch trần 657.50 cents/giạ, tăng gần 4%. Sau phiên tăng nhẹ cuối tuần trước, lúa mì cũng bứt phá mạnh mẽ và tăng 3.83%, lên mức 739.50 cents/giạ.

Bên cạnh các thông tin bất ổn về thời tiết ở các khu vực gieo trồng ngôở Mỹ và Brazil,việc chính phủ Argentina đang xem xét việc tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc để kiểm soát lạm phát đã hỗ trợ giá ngô tiếp tục xu hướng tăng. Ngoài ra, báo cáo Export Inspections cho thấy, 1.95 triệu tấn ngô đã được thông quan và xuất khẩu trong tuần kết thúc ngày 22/04, cao hơn so với mức 1.7 triệu tấn so với dự đoán trước đó của giới phân tích cũng là yếu tố “bullish” với giá ngô.

Rạng sáng nay, báo cáo Crop Progress – Tiến độ mùa vụ được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố cho thấy 17% diện tích ngô của mùa vụ 2021 đã được gieo trồng xong, chậm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin này không quá bất ngờ và sẽ không giúp giá ngô tăng lên nhưng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn cho giá ngô không giảm quá sâu nếu có sự điều chỉnh sau chuỗi tăng dài.

Lúa mỳ cũng là mặt hàng đáng chú ý phiên hôm qua khi tăng vọt nhờ sức kéo từ đà tăng của ngô. Ngoài ra, Viện Kinh tế Nông nghiệp Ukraine giảm dự báo sản lượng lúa mì năm nay về mức 28.5 triệu tấn, so với mức 30 triệu tấn mà chính phủ đưa ra trước đó, cũng giúphỗ trợ cho giá lúa mì trong phiên hôm qua.Trong ngắn hạn, những thông tin bất lợi về thời tiết gieo trồng ở Nga và rủi ro về căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp tục là yếu tố giúp giá lúa mì khó có thể giảm mạnh.

Đà tăng của đường và cà phê vẫn còn mạnh dù tiềm ẩn nhiều rủi ro

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, giá đường và cà phê tiếp tục duy trì đà tăng mạnh từ tuần trước. Thị trường vẫn đang trong trạng thái hưng phấn quá mức, bất chấp các thông tin tiêu cực về dịch bệnh bùng phát trở lại thời gian gần đây.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa tăng rất mạnh 3.5% lên mức 143.35 cent/pound, cao nhất trong vòng gần 4 năm trở lại đây. Giá đã test mức kháng cự tâm lý quan trọng 140 giống như MXV News đã dự đoán trước đó, và sau khi vượt lên trên mức này đã kích hoạt một loạt các lệnh stoploss và giúp lực mua duy trì đến tận cuối phiên.

Bên cạnh đấy, đồng Real tiếp tục tăng mạnh và nông dân chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cũng khiến lực bán suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ sẽ khiến việc triển khai vaccine gặp khá nhiều khó khăn trog thời gian tới, sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn và có thể tác động mạnh đến giá khi đà tăng bị chặn lại.

Về mặt kỹ thuật, đường MACD đang ở mức cao trên mức 0 và RSI đang đi sâu vào vùng quá mua. Bên cạnh đấy, RSI tiếp tục cho thấy trạng thái phân kỳ âm, đồng nghĩa với việc mở thêm trạng thái mua ở thời điểm này là khá nhiều rủi ro. Giá có thể sẽ dao động với khoảng rộng 140 – 145 trong phiên hôm nay để chờ các thông tin mới.

Giá dầu giảm nhẹ, thị trường chờ đợi thông tin từ cuộc họp OPEC

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên đầu tuần, với giá WTI giảm 0.37% xuống 61.91 USD/thùng, giá Brent giảm 0.7% xuống 65.65 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục chịu sức ép từ tình hình COVID phức tạp tại Ấn Độ, khi các bệnh viện của nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt các trang thiếu bị cùng sản phẩm y tế để đối phó với làn sóng người nhiễm bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, hôm qua Công ty dầu khí quốc gia của Libya (NOC) tuyên bố đã dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng đối với việc tải dầu từ cảng phía Đông Hariga. Như vậy nguồn cung từ Libya nhiều khả năng sẽ tăng trở lại, tạo áp lực lên giá dầu. Giá đã có lúc giảm dưới mức hỗ trợ 61 USD/thùng.

Ở chiều ngược lại, Ủy ban kĩ thuật chung của OPEC + (JTC) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2021 bất chấp diễn biến COVID tiêu cực ở Ấn Độ: Trong báo cáo thị trường ngày 14/4 vừa rồi, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô thế giới năm nay tăng 5.95 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng 6.6% so với với năm 2020. Điều đó cho thấy phục hồi kinh tế tại thị trường châu Âu và Mỹ nhiều khả năng bù đắp được tình hình tiêu cực ở châu Á. Dự báo lạc quan của JTC kết hợp với đồng USD suy yếu đã giúp giá dầu tăng trở lại tối qua, khiến cho giá đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Thị trường kỳ vọng phiên họp ngày mai OPEC sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng 350,000 thùng/ngày trong tháng 5 và nội dung cuộc họp chủ yếu sẽ mang mục đích giám sát thị trường. Tuy nhiên, trường hợp OPEC quyết định hoãn hoặc giảm mức phục hồi sản lượng sẽ cho thấy lo ngại của nhóm về triển vọng dầu thô năm nay, có thể khiến giá quay đầu giảm mạnh.

 

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam