Những lo ngại về mùa vụ Mỹ trong ngắn hạn vẫn sẽ giúp cho giá đậu tương tiếp tục đà hồi phục
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/06, giá đậu tương đã tạo gapup nhẹ và đang tiếp tục đà hồi phục sau chuỗi lao dốc tuần trước. Bên cạnh những kỳ vọng về diện tích gieo trồng tại Mỹ thu hẹp trong báo cáo cuối tháng 6 này, những số liệu về tình trạng mùa vụ trong tuần vừa rồi đã thúc đẩy lực mua trong phiên sáng nay.
Cụ thể, trong báo cáo Crop Progress được USDA công bố vào rạng sáng nay, giai đoạn gieo trồng đậu tương tại Mỹ đã gần như hoàn thành. Tuy nhiên, chất lượng cây trồng lại giảm 3% so với tuần trước xuống còn 65% diện tích đạt tốt – tuyệt vời. Ở những bang sản xuất lớn như Iowa hay Illinois, chất lượng vẫn giữ được lần lượt ở mức 80% và 66% do thời tiết ổn định với mưa rải rác. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường dự đoán số liệu của cả nước cũng sẽ được duy trì. Tuy nhiên, khô hạn ở các bang phía nam khu vực Midwest đang gây ra rủi ro năng suất bị sụt giảm. Các số liệu giảm mạnh nhất được ghi nhận ở Nebraska, Ohio và Indiana. Chính vì yếu tố bất ngờ này nên giá đậu tương lại càng được hỗ trợ và duy trì khoảng gapup sáng nay.
Đối với số liệu diện tích trong báo cáo vào thứ 5 tuần này, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng kỳ vọng về con số thực tế thấp hơn dự báo của USDA sẽ là yếu tố giúp giá hồi phục trở lại cho tới khi báo cáo công bố. Hiện tại, cả 2 yếu tố quyết định cho mức sản lượng của Mỹ niên vụ 22/23 là năng suất và diện tích vẫn đang cho thấy dấu hiệu “bullish” trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhu cầu đang dần suy yếu cùng với việc triển vọng nguồn cung toàn cầu đang dần nới lỏng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thời tiết ở Mỹ không quá tiêu cực thì xu hướng chính vẫn đang là suy yếu trong vài tháng tới. Chính vì thế nên nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế bán mới trong vài phiên cuối tuần này.

Tin tức tích cực tại Trung Quốc đánh bại lo ngại suy thoái, mang lại động lực phục hồi cho giá đồng
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá đồng có xu hướng phục hồi khi các tin tức về dịch bệnh tại Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu tích cực. Theo đó, 2 thành phố lớn nhất đại lục, Thượng Hải và Bắc Kinh lần đầu tiên trong 4 tháng đều không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng vào ngày hôm qua. Đồng thời, quốc gia này cũng đã cắt giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh xuống còn 10 ngày từ 3 tuần.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc liên tục tái khẳng định sự tự tin trong việc phục hồi nền kinh tế quốc gia cho đến cuối năm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết kích thích kinh tế có thể sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tín dụng hơn là hạ lãi suất. Trong đó, các chính sách sẽ tập trung nhiều hơn vào những thay đổi trong tổng số lượng tài trợ xã hội và các khoản vay do lãi suất thực tế của Trung Quốc khá thấp sau khi tính đến lạm phát. Đây là điều cũng khá dễ hiểu trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới liên tục tăng lãi suất, và Trung Quốc cần bảo vệ dòng chảy nguồn vốn của mình. Những thông tin trên hứa hẹn mang lại sự phục hồi kinh tế tại đại lục và do đó, hỗ trợ giá tăng nhẹ sau khi liên tiếp lao dốc trước đó.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế trong tương lai vẫn là yếu tố kìm hãm đà phục hồi mạnh mẽ của giá đồng. Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số nhà chờ bán và đơn đặt hàng hoá lâu bền tại Mỹ đều bất ngờ tăng mạnh so với dự đoán. Thông tin tích cực này lại là mối lo ngại lớn trong tương lai khi mà không gian cho việc tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn rộng mở. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME, có tới 96% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào cuộc họp tháng 7 sắp tới. Điều này tiếp tục gây sức ép tới tâm lý các nhà đầu tư về nền kinh tế tăng trưởng chậm lại vào cuối năm. Giá đồng do đó sẽ khó phục hồi về vùng đỉnh 4.8 – 5 USD/pound như hồi tháng 3 từ giờ đến cuối năm.

Giá dầu khả năng cao sẽ duy trì đà tăng trong phiên hôm nay, tuy nhiên gặp nhiều sức ép
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường giằng co trước các yếu tố trái chiều.
Một mặt, lo ngại về nhu cầu sẽ suy yếu dần đang là một trong các yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu thô, nhất là khi tuần này thị trường chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng, như chỉ số giá Chi tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo lường lạm phát ưa thích thứ 2 của Fed.
Mặc dù theo dữ liệu của CME Watchtool, 93.9% thị trường định giá Fed sẽ tăng 75 điểm lãi suất trong cuộc họp tháng 7, tuy vậy, vẫn còn một chính sách phải quan tâm, đó là tốc độ giảm cung tiền của Fed thông qua việc đáo hạn hoặc mua lại các trái phiếu. Tháng 06/2020, Fed bắt đầu tiến hành mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, tuy nhiên kể từ tháng 06/2022, Fed sẽ tiến hành cắt giảm nắm giữ 47.5 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, và hướng đến con số 95 tỷ USD từ tháng 9. Điều này làm giảm bớt cung tiền, có khả năng làm chi phí đi vay trở nên cao hơn. Nếu lạm phát tăng quá nóng, Fed hoàn toàn có khả năng thay đổi tốc độ điều chỉnh cung tiền, bên cạnh việc tăng lãi suất, mặc dù xác suất này là không lớn, trở thành sức ép đối với thị trường tài chính nói chung.
Mặt khác, trong ngắn hạn, nguồn cung đang có dấu hiệu suy yếu, với Libya có khả năng sẽ phải ban bố tình trạng bất khả kháng, khiến cho sản lượng và xuất khẩu dầu của nước này giảm. Thông tin về cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ được nối lại, tuy nhiên sau quá nhiều lần thất bại, cơ hội 2 bên đạt được thỏa thuận làn này vẫn rất mong manh. Đầu tháng 6, Citibank nhận định Iran sớm nhất sẽ đạt được miễn trừ cấm vận vào quý I năm sau.
Giá dầu thô WTI bật tăng từ cạnh dưới của Bollinger Band và đang tiến về cạnh giữa, tương đương với mức 113.4 USD. Chỉ số RSI đã quay trở về ngưỡng 50 điểm, phản ánh việc sức mua đã cân bằng với sức bán, còn chỉ số MACD cũng cho thấy áp lực bán đã giảm bớt. Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua khi giá test lại hỗ trợ 109 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 113 USD, cắt lỗ 108 USD.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV