Đà tăng đối với giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/12, đà tăng của giá đậu tương tiếp tục được duy trì. Như chúng tôi đã nhận định từ đầu tuần, thị trường nông sản cũng gián tiếp nhận được hiệu ứng tâm lí Santa Claus Rally. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải cho mức bật tăng lên khỏi ngưỡng tâm lí 1500 của giá đậu tương. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản khá vững chắc khi tâm lí lo ngại của thị trường đang gia tăng khi triển vọng nguồn cung bị thiệt hại mới là động lực chính giúp giá phá vỡ khỏi vùng giằng co đi ngang trong 2 tuần trước đó. Bên cạnh đó, kỳ vọng về nhu cầu nhập khẩu cải thiện khi Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần hỗ trợ cho giá.
Bắt đầu từ tuần này, các số liệu bán hàng đậu tương Mỹ trong báo cáo Export Sales sẽ giành được sự quan tâm nhiều hơn từ thị trường vì đây là dấu hiệu phản ánh triển vọng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Trong báo cáo tối nay, thị trường đang kì vọng rằng con số này sẽ nằm trong khoảng 500 – 900 nghìn tấn. Đây không phải là mức cao trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm của Mỹ nhưng sẽ là dấu mốc quan trọng để đánh giácho những tuần tới. Có khả năng số liệu này có thể dần gia tăng nhờ có sự hồi phục về kinh tế của Trung Quốc khi chính phủ đang mở cửa trở lại.Tại Brazil, tình hình thời tiết phân hóa theo từng khu vực đang tác động trái chiều lên triển vọng chung. Nếu như mưa lớn xuất hiện ở trung tây thì các bang phía nam bị ảnh hưởng từ hạn hán mở rộng ở Argentina và khiến hoạt động gieo trồng cũng đang bị chậm trễ. Emater cho biết, tiến độ trồng đậu tương tại bang Rio Grande do Sul hiện đạt 93% kế hoạch, thấp hơn 5% trung bình lịch sử. Rio Grande do Sul thường là một trong ba bang sản xuất đậu tương lớn nhất của Brazi. Tình hình mùa vụ nhìn chung vẫn còn một số lo ngại nhưng với mức năng suất tăng vọt so với năm ngoái thì đây vẫn chưa phải là yếu tố “bullish” đáng kể đối với giá đậu tương.
Giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay do những tác động trái chiều từ thông tin cơ bản
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu. Tồn kho đạt chuẩn của Robusta trên Sở ICE London tăng mạnh kết hợp với lực bán lớn trước dịp Tết Nguyên Đán của nông dân Việt Nam đã gây sức ép khiến giá giảm gần 1%. Với Arabica, tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng trở lại đây cũng là nhân tố chính khiến giá giảm hơn 2% trong phiên hôm qua.
Tính đến ngày 29/12, lượng cà phê Arabica xuất khẩu trong tháng 12 của Brazil, quốc gia xuất khẩu Arabica lớn nhất thế giới, theo ước tính của Cecafe đạt gần 2.7 triệu bao loại 60kg, giảm mạnh so với mức hơn 3 triệu bao của tháng trước. Số liệu này phần nào thể hiện nguồn cung dần cạn kiệt sau vụi thu hoạch trước đó tại Brazil. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập khi Trung Quốc dù đã nới lỏng chính sách Zero Covid nhưng số ca mắc mới vẫn tăng nhanh, khiến kỳ vọng về sự hồi phục trong nhu cầu tiêu thụ trở nên mong manh hơn.
Về mặt thời tiết, Minas Gerais vẫn là khu vực được dự báo sẽ đón nhận lượng mưa lớn, đồng thời rủi ro về lũ lụt cục bộ cũng quay trở lại. Điều kiện thời tiết như vậy có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của cây cà phê đang trong giai đoạn sinh trưởng tại Brazil. Thông tin này có thể sẽ giúp giá Arabica khởi sắc phần nào sau phiên giảm mạnh vào hôm qua.
Giá đồng nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp theo tín hiệu kỹ thuật trước kỳ nghỉ năm mới
Giá đồng mở cửa ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022 trong sắc xanh, tuy nhiên, nhiều khả năng giá sẽ dao động trong khoảng hẹp và tuân theo các tín hiệu kỹ thuật khi khối lượng giao dịch khá mỏng ngay sát kỳ nghỉ lễ Tết, khiến cho xu hướng không còn quá rõ ràng.
Áp lực trong ngắn hạn vẫn tồn tại, khi nhà tiêu thụ kim loại hàng đầu là Trung Quốc vẫn phải đối diện với các đợt bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng trước quyết định mở cửa trở lại. Theo Airfinity Ltd., một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày 23/1, trong đó các ca nhiễm hàng ngày sẽ đạt đỉnh 10 ngày trước đó vào khoảng 3.7 triệu trường hợp. Nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp, nhà sản xuất, và hoạt động tiêu dùng bị gián đoạn. Do đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023 sắp tới, giá đồng sẽ khó có động lực bứt phá qua mốc 4 USD/pound như giai đoạn nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế đang dần xuất hiện tại vài thành phố của quốc gia này. Số lượng hành khách sử dụng tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thành Đô và Vũ Hán đã tăng khoảng 40% lên 100% trong tuần tính đến thứ Tư, một dấu hiệu cho thấy cư dân ở những khu vực đó đang trở lại làm việc, mua sắm. Một thước đo ùn tắc giao thông ở các thành phố đó đã tăng khoảng 150% đến 240% trong giai đoạn này.
Mặc dù hoạt động kinh tế vẫn yếu hơn nhiều so với mức trước đại dịch, nhưng sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động ở các thành phố như Bắc Kinh, nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất khi Trung Quốc đột ngột từ bỏ các hạn chế của Covid, cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến. Trong bối cảnh này, mặc dù vẫn sẽ chịu nhiều sức ép trong 1 tháng tới, xong tín hiệu tích cực hơn tại Trung Quốc cũng sẽ khó khiến cho giá đồng có thể rơi khỏi hỗ trợ 3.7 USD/pound. Nhìn chung, xu hướng đi ngang của giá đồng nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong khoảng gần 1 tháng tới.
Thị trường dầu có thể sẽ tiếp tục ảm đạm do thanh khoản giảm gần dịp nghỉ lễ của phương Tây
Thị trường dầu thô tiếp tục giằng co trong sáng nay với một khối lượng giao dịch ảm đạm khi đây là phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022.
Giá dầu thô WTI hiện đang cao hơn 3% so với đầu năm, còn giá dầu thô Brent cao hơn 6%. Nhiều khả năng, đà tăng theo năm vẫn được duy trì nếu giá tiếp tục bị chi phối bởi các tin tức và kỳ vọng trái chiều như hiện nay.
Động lực chính hỗ trợ cho giá dầu vẫn là triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc khi nước này đã đang dần tới việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất và du lịch sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô và các sản phẩm lọc dầu. Nhà quản lý quỹ phòng hộ, Pierre Andurand đang dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng khoảng 3 – 4 triệu thùng/ngày trong năm tới nếu các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu.
Xét về nguồn cung, khả năng gia tăng nguồn cung của các quốc gia đều không lớn. Cụ thể, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn đang thực hiện cắt giảm sản lượng. Tại châu Âu, việc Nga thực hiện cấm xuất khẩu dầu với các quốc gia áp dụng mức giá trần có thể khiến cho nguồn cung dầu eo hẹp hơn. Về phía Mỹ, hoạt động sản xuất dầu đá phiến cũng gặp những thách thức nhất định khi mà các doanh nghiệp gặp vấn đề thiếu hụt nhân lực.