Đà giảm đối với ngô có thể sẽ thu hẹp dần trong phiên tối nay do những lo ngại về mùa vụ Mỹ
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sau kỳ nghỉ lễ đã sụt giảm mạnh. Đà giảm kéo dài từ 2 tuần trước đó, khi giá bị đẩy xuống sau khi chạm vùng đỉnh 1277 do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Các nhịp tăng, giảm của lúa mì đang khó rõ ràng và sát với những thông tin xoay quanh triển vọng nguồn cung toàn cầu.
Nếu như gián đoạn xuất khẩu ở Biển Đen và Ấn Độ lần lượt là 2 yếu tố khiến cho giá lúa mì bước vào đà tăng mạnh thì bối cảnh thị trường hiện tại đang trở nên ổn định hơn khi các nước chú trọng đến việc giải quyết an ninh lượng thực toàn cầu. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định về sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Cuộc đàm phán này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay khi nguồn cung ngũ cốc thế giới đang rơi vào tình trạng eo hẹp do ảnh hưởng của cuộc xung đột. Ngoài ra, tại Ukraine, nông dân cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch nên nếu hoạt động xuất khẩu được nối lại, các kho dự trữ hiện tại cũng sẽ được giải phóng để phục vụ cho mùa vụ mới. Những kỳ vọng của thị trường về việc nguồn cung của Ukraine sẽ đáp ứng nhu cầu và tạo áo lực lên giá.
Còn tại Ấn Độ, mặc dù chính phủ đã xác nhận vẫn duy trì chính sách cấm xuất khẩu lúa mì của tư nhân để đảm bảo nguồn cung nội địa nhưng nước này cũng ưu tiên và hỗ trợ các quốc gia mua hàng. Chính phủ các nước vẫn có thể thương lượng và đám phán để nhập khẩu. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đã nhận được đơn đặt hàng 1.5 triệu tấn lúa mì từ một số nước cần lương thực để khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện tại. Điều này cũng cho thấy lo ngại về nguồn cung cũng phần nào được xoa dịu và góp phần tác động “bearish” đối với giá lúa mì.
Tốc độ hồi phục của giá đồng gặp nhiều thách thức do năng lực tiêu dùng suy yếu
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng có xu hướng tiếp tục phục hồi sau khi các dữ liệu về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tháng 5 của Trung Quốc mặc dù vẫn ở dưới ngưỡng 50, biểu thị sự thu hẹp quy mô sản xuất, nhưng việc chỉ số này đã tăng đáng kể so với tháng trước là dấu hiệu cho thấy nỗ lực khôi phục kinh tế đang được ghi nhận.
Bên cạnh đó, chỉ số đơn đặt hàng mới cũng tăng 5.6 điểm và chỉ số tồn kho nguyên vật liệu đạt mức 47.9, tăng 1.4 điểm so với tháng trước, cho thấy năng lực sản xuất đang dần được phục hồi. Nhiều khả năng, thị trường đồng sẽ tích cực hơn trong tháng 6, nhất là khi Chính phủ đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tuy nhiên, sau những tổn thất trong khoảng thời gian phong toả bởi dịch bệnh, tâm lý cẩn trọng trong tiêu dùng của người dân có thể khiến cho đà phục hồi của các hoạt động sản xuất cần thêm quá trình và thời gian. Thực tế, Chính phủ Trung Quốc đang gặp phải thách thức trong việc thúc đẩy tín dụng do niềm tin tiêu dùng suy giảm. Doanh số bán nhà ở sụt giảm bất chấp ưu đãi cho vay thế chấp, trong khi các nhà hoạch định chính sách liên tục thúc đẩy các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn. Điều này dẫn tới sự nới lỏng tiền tệ đạt được ít hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng hơn.
Lãi suất cho vay liên ngân hàng ngắn hạn đã giảm về gần bằng 0, là một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng không cho vay nhiều đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ chịu tổn thương sau đợt phong toả sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể hồi phục, thậm chí là khó duy trì. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch.
Do đó, mặc dù hoạt động sản xuất đang dần cho thấy bước chuyển mình sau dịch bệnh, nhưng tâm lý lo sợ trong tiêu dùng của người dân Trung Quốc vẫn sẽ là rào cản lớn cho sự hồi phục của nền kinh tế. Vì vậy, nhiều khả năng giá đồng trong tháng 6 có thể tăng với tốc độ tương đối chậm và sẽ còn gặp nhiều biến động.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng vẫn đang cho thấy dấu hiệu lên theo kênh xu hướng, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn phá vỡ đỉnh trước đó. Các nhà đầu tư nên đợi nến xanh vượt qua đỉnh trước, trước khi mở vị thế mua mới với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.38 USD/pound.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng sau khi EU đã thống nhất được chính sách chung
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường chờ đợi kết quả đàm phán của Liên minh châu Âu EU cũng như các bước tiến mới trong quá trình dỡ bỏ phong tỏa của Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2% lên 117.37 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.77% lên 117.6 USD/thùng.
Về mặt lý thuyết, các thành viên EU đã thống nhất với nhau để cho đến cuối năm khối sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Tuy vậy các chi tiết của kế hoạch cũng như các miễn giảm cụ thể cho các thành viên sẽ được trao đổi vào thứ 4. Như đã phân tích trước đó, sản lượng dầu từ Nga sẽ giảm trên 2 triệu thùng/ngày, tuy nhiên với sự “trợ giúp” từ lượng dầu trong các kho dự trữ chiến lược, thị trường trước mắt sẽ chỉ thiếu hụt khoảng 700,000 thùng/ngày. Tuy vậy, rủi ro giá tiếp tục tăng cao hơn là rất lớn, nếu EU có thể tìm ra con đường để cấm vận cả lượng dầu di chuyển qua các đường ống dẫn, với tổng số lượng hàng ngày qua các cung đường chính có thể lên đến hơn 1.1 triệu thùng/ngày. Kịch bản này có thể giúp cho giá dễ dàng vượt qua vùng 129 USD/thùng trong tháng 3.
Mặt khác, cũng có khả năng là Nga có thể tìm cách trả đũa hoặc gây sức ép trở lại cho EU, khiến cho nhóm phải cân nhắc lại thời gian áp dụng các gói trừng phạt. Bên cạnh đó, cũng sẽ cần thời gian để các thành viên EU có thể tích trữ dầu hoặc tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Đối với lệnh cấm vận than trước đây EU cũng đã phải dời thời gian áp dụng vài tháng, cho đến khi đã chuẩn bị đầy đủ. Trong trường hợp này, giá có thể quay trở lại vùng 100-114 USD/thùng. Tuy nhiên, xác suất cho kịch bản này là không quá lớn.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tích cực, với RSI và MACD đều đang hướng lên trên. Giá đang điều chỉnh và tạo ra điểm vào mới. Có thể canh mua tại vùng 118 và kỳ vọng chốt lời 3 USD/thùng.