Đà tăng của giá đậu tương sẽ lại tiếp tục được mở rộng trong phiên cuối tuần này do những lo ngại về sản lượng ở Brazil
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang hồi phục nhẹ trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua. Với những dự báo của các hãng tin lớn hiện tại vẫn cho rằng ước tính năng suất mùa vụ tại Mỹ có thể tiếp tục bị USDA cắt giảm trong báo cáo Cung – cầu tới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương không giảm sâu. Theo đánh giá của chúng tôi, giá mặt hàng này vẫn có thể sẽ duy trì nhịp tăng và hướng lên vùng 1480 trong vài phiên tới.
Mặc dù trong báo cáo Export Sales vừa rồi, số liệu bán hàng không quá tích cực nhưng xu hướng chung nhu cầu đối với đậu tương Mỹ trong giai đoạn sắp kết thúc thu hoạch này vẫn sẽ cao hơn do mức độ cạnh tranh cao hơn so với nguồn cung có sẵn hạn chế vẫn chưa được thu hoạch ở Nam Mỹ. Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục thắt chặt hơn vẫn đang đóng vai trò là yếu tố “bullish” với giá.
Không những thế, theo công ty HedgePoint, sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Brazil có thể sẽ giảm xuống dưới 150 triệu tấn do ảnh hưởng của La Nina ở Nam Mỹ. Con số này thấp hơn một chút so với vụ thu hoạch kỷ lục. Dự trên các mô hình của Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu (ECMWF), HedgePoint dự kiến La Nina sẽ hoạt động mạnh từ tháng 12 đến tháng 01, có xu hướng gây hạn hán cho miền nam Brazil. Trong khi đó, dự báo chính thức về sản lượng đậu tương của chính phủ đang ở mức 152.35 triệu tấn. Kịch bản này đòi hỏi sự thận trọng và sản lượng có thể sẽ thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Schicchi cũng cho biết một đợt rét đậm sẽ tiến vào miền nam Brazil trong tuần tới, có thể khiến một số nông dân trì hoãn gieo trồng. Chính vì thế nên xét về cả ngắn hạn và trung hạn thì các yếu tố cơ bản về đậu tương vẫn đang thiên về tác động hỗ trợ.

Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều khả năng cao sẽ khiến giá Arabica giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 03/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều giảm sâu. Arabica giảm hơn 5% khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US có dấu hiệu hồi phục với 162,302 bao loại 60kg đang chờ đươc phân loại để đưa đến các kho dự trữ. Nguồn cung Robusta tại Việt Nam dự kiến sẽ trở nên dồi dào trong 03 tuần tới, đẩy giá mặt hàng này giảm hơn 2% trong phiên hôm qua.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất, Colombia đã sản xuất được 880,000 bao cà phê trong tháng 12, khởi sắc nhẹ so với mức 834,000 bao của tháng 09 nhưng vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh hưởng từ hiện tượng La NiNa khiến mưa lớn kéo dài, đẩy lượng mưa dư thừa liên tục trong 28 tháng vừa qua tại quốc gia xuất khẩu Arabica lớn thứ 2 thế giới, khiến nguồn cung suy yếu. Thông tin này làm dấy thêm lo ngại về nguồn cung thu hẹp trong ngắn hạn khi đầu tuần 2 quốc gia Trung Mỹ là Honduras và Bờ Biển Ngà cùng đưa ra dữ liệu cho thấy xuất khẩu giảm mạnh do sản lượng suy yếu và giá thành cao. Đây dự kiến sẽ là thông tin “bullish”, kéo giá đi lên sau phiên giảm mạnh hôm qua.
Tại Brazil, một cơn bão cục bộ gần bờ biển phía Đông Nam có khả năng sẽ gây mưa vào cuối tuần với lượng mưa dự kiến 10-30 mm trên mức bình thường. Những cơn mưa trong giai đoạn này vẫn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê, từ đó đưa lại triển vọng nguồn cung tích cực hơn cho niên vụ tới.

Giá đồng có thể tiếp tục đón nhận lực mua do các yếu tố gián đoạn về nguồn cung
Đồng đón nhận lực mua mạnh mẽ trong phiên sáng nay sau khi chịu sức ép bởi các yếu tố vĩ mô trong phiên trước. Động lực tăng chủ yếu đến từ một số những lo ngại về gián đoạn từ nguồn cung. Nhiều khả năng điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá, ít nhất cho tới phiên tối sau khi thị trường đồng chịu tác động từ dữ liệu bảng lương phi nông của Mỹ.
Mỏ đồng Las Bambas của Peru, chiếm 2% nguồn cung đồng trên thế giới và chủ yếu cung cấp cho thị trường Trung Quốc tiếp tục gặp gián đoạn về các cuộc biểu tình chặn đường. Mới đây, phía công ty khai thác đã công bố tình hình sản xuất đang giảm tốc dần kể từ ngày 31/10. Trong khi đó, dữ liệu từ cơ quan Chính phủ Chile cho biết sản lượng đồng của quốc gia này trong tháng 9 đạt mức 428,300 tấn, giảm 4.27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác từ tập đoàn sản xuất đồng lớn nhất thế giới Codelco giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù đây thường là thời điểm sản lượng tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm ở phía tiêu thụ. Một phần, điều này là do nhu cầu có xu hướng yếu hơn, nhưng đồng thời cũng đến từ vấn đề chất lượng quặng giảm sút. Trong khi đó, nguồn cung đồng trên thực tế vẫn đang eo hẹp. Dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế cho biết 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt đồng tinh chế ở mức 292,000 tấn, cao hơn gần gấp đôi so với mức 152,000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nhiều khả năng đây sẽ là tin tức tiếp tục hỗ trợ cho giá đồng trong phiên hôm nay.
Tối nay, Mỹ sẽ công bố dữ liệu bảng lương phi nông trong tháng 10 và sẽ có những tác động nhất định tới giá đồng trong phiên. Thị trường đang kỳ vọng số người có việc ngoài ngành nông nghiệp sẽ giảm khá mạnh từ mức 263,000 trong tháng 9 xuống 200,000 trong tháng 10. Tuy nhiên, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và dữ liệu việc làm của ADP cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất tích cực. Nhiều khả năng, con số chính thức vẫn sẽ cao hơn dự báo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tự tin hơn vào chính sách thắt chặt tiền tệ của mình và các nhà đầu tư sẽ phản ứng lo ngại trước tác động này. Giá đồng cũng thường phản ứng với kỳ vọng nêu trên và trong trường hợp đó, giá có thể gặp áp lực trở lại.

Giá dầu WTI nhiều khả năng xác nhận đà tăng, vượt qua kháng cự mạnh trong phiên hôm nay
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm nay, khi thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ còn bị bó hẹp do lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga sắp có hiệu lực.
Bất chấp các lo ngại về suy thoái kinh tế đang là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu, trên thị trường vẫn không thiếu các nhà đầu tư đặt cược vào đà tăng của giá dầu. Trên sàn NYMEX, chênh lệch số lượng quyền chọn mua và bán dầu WTI đang ở 1.4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ 1996. Trong số đó, chiếm ưu thế là số vị thế mở cho quyền chọn mua WTI giá 120 USD/thùng. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào một đà tăng giá mới, nhất là khi gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ mở cửa vào năm sau. Giới đầu tư đang nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ mở cửa vào quý I năm sau, và thậm chí theo các thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc, nước này có thể sắp gấp rút nghiên cứu các phương án để nới lỏng dần các biện pháp chống dịch. Nguồn cung chắc chắn sẽ không thể bắt kịp trong trường hợp nhu cầu tăng trở lại. Các công ty dầu khí của Mỹ không có kế hoạch tăng đầu tư để tăng các số lượng giàn khoan và giếng khoan. Đề nghị của Nhà Trắng đánh thuế vào khoản lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng trở thành một rào cản tâm lý lớn đối với các nhà đầu tư: Nếu sản xuất nhiều và bị lỗ thì sẽ không nhận được sự trợ giúp, thực tế trong giai đoạn 2020 không ít các công ty nhỏ phá sản và nhiều giếng dầu phải đóng lại. Vì vậy, việc duy trì sản lượng ở mức phù hợp và lợi nhuận cao trên từng thùng dầu thu được sẽ là chiến lược hợp lý hơn so với việc sản xuất càng nhiều càng tốt, giống giai đoạn 2014-2019.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)