Giá ngô nhiều khả năng sẽ chỉ giằng co trên hỗ trợ 670 trong phiên hôm nay do tác động trái chiều từ các yếu tố cơ bản
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức suy yếu nhẹ do áp lực bán chung trên thị trường hàng hóa. Giá đã quay trở lại vùng hỗ trợ của khoảng đi ngang bắt đầu từ tháng 9 cho tới nay sau khi test lại kháng cự tâm lí 700. Đây là giai đoạn khá quan trọng trong việc hình thành xu hướng tiếp theo của giá bởi những đánh giá về sản lượng của Mỹ sẽ trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là sau báo cáo Cung – cầu tới và những số liệu về triển vọng mùa vụ đang trong giai đoạn gieo trồng sẽ là căn cứ để thị trường đánh giá chung về nguồn cung toàn cầu.
Xét về các yếu tố cơ bản, chúng tôi cho rằng giá ngô vẫn đang nhận được hỗ trợ ngắn hạn từ các thông tin về nguồn cung do mùa vụ đang diễn ra không quá thuận lợi như dự kiến ở Nam Mỹ. Tính tới cuối tuần trước tiến độ trồng ngô tại Argentina đạt 21.8% diện tích dự kiến, thấp hơn nhiều so với mức 27.6% cùng kỳ năm trước và 33.4% trung bình lịch sử. Về chất lượng, 35% ngô được đánh giá ở mức kém - rất kém, 55% trung bình và chỉ có 10% tốt - tuyệt vời.
Ngược lại, triển vọng nhu cầu lại đang tạo áp lực lớn đến giá ngô. Số lượng ca nhiễm Covid mới của Trung Quốc ghi nhận đã tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua càng củng cố khả năng chính phủ sẽ không có ý định nới lỏng các biện pháp chống dịch hay từ bỏ chủ trương zero Covid. Thay vào đó, chính sách đóng cửa càng kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn lên nền kinh tế và nhu cầu nhập khẩu nông sản để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Không những thế, quốc gia luôn đứng top đầu trong đối tác thương mại về ngô của Mỹ là Mexico cũng có thể sẽ hạn chế nguồn cung từ Mỹ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mexico Victor Suarez mới đây đã xác nhận Mexico sẽ không sửa đổi lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen được công bố vào đầu năm 2021. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào năm 2024 và sẽ là đòn giáng mạnh vào nền nông nghiệp của Mỹ do quốc gia này đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ biến đổi gen để gia tăng năng suất cây trồng. Đây sẽ là yếu tố “bearish” đối với giá ngô trong dài hạn.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều có thể khiến giá Arabica giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc tuần giao dịch 31/10 - 06/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận đà tăng, tuy nhiên lực tăng là không quá mạnh. Đối với Arabica, lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn tại Colombia và 2 quốc gia cung ứng hàng đầu Trung Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ giá, trong khi triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ tới tại Brazil hạn chế phần nào lực tăng của mặt hàng này. Riêng với Robusta, việc Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn thu hoạch với dự kiến nguồn cung sẽ trở nên dồi dào trong thời gian ngắn tới đã kiềm chế lực tăng khiến đóng cửa tuần giá chỉ tăng hơn 1%.
Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US vào cuối tuần trước đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại với mức tăng 5,291 bao loại 60kg, đây là lần tăng tồn kho đầu tiên kể từ cuối tháng 08 khi ICE quyết định phân loại lại các bao cà phê từ 2 năm trước. Theo dự đoán của các chuyên gia, lượng tồn kho này còn có thể gia tăng trong thời gian tới khi Colombia và các quốc gia Trung Mỹ bước vào thời điểm thu hoạch tập trung và cà phê bán rửa tại Brazil đã đủ rẻ để chuyển cho ICE. Đây có thể sẽ là thông tin gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Trái với những dự kiến mưa vẫn xuất hiện trong tuần trước, dự báo thời tiết dự kiến lượng mưa trong tuần này tại khu vực Đông Nam sẽ thâm hụt khoảng 15-40 mm dưới mức bình thường. Đây dự kiến sẽ là thông tin không mấy tích cực đối với mùa vụ khi vào tuần trước Somar Meteorologia chỉ ra lượng mưa trong thời gian qua chỉ đạt 79% mức trung bình lịch sử. Việc thiếu hụt nước có thể ảnh hưởng đến quá trình ngủ của cây cà phê đồng thời ảnh hưởng xấu đến sản lượng và chất lượng cà phê cho niên vụ tới của Brazil, từ đó thúc đẩy giá tăng.
Giá đồng có thể gặp áp lực trở lại do kỳ vọng kinh tế phục hồi tại Trung Quốc đang dần bị dập tắt
Giá đồng mở cửa gap-down ngay trong phiên giao dịch đầu tuần khi các quan chức ngành y tế Trung Quốc trong một cuộc họp vào cuối tuần tuyên bố rằng sẽ "không thay đổi" cách tiếp cận đối với chính sách Zero-Covid, gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư đã đặt cược vào sự mở cửa trở lại của quốc gia này theo các tin đồn lan truyền trước đó. Nhiều khả năng đã giảm sẽ tiếp tục trong phiên hôm nay khi các dữ liệu kinh tế mới đây của Trung Quốc không mấy tích cực đang đặt ra nhiều nghi ngại về động lực phục hồi tăng trưởng cuối năm.
Tăng trưởng xuất khẩu, một trong những động lực chính đóng góp lớn vào GDP của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 10, với mức giảm 0.3% so với cùng kỳ năm ngoái do sức tiêu thụ toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hoá cũng giảm 0.7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020. Điều này đang cho thấy không chỉ nhu cầu nội địa mà nhu cầu trên thế giới cũng đang gặp áp lực. Với vai trò là quốc gia sản xuất và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này nhiều khả năng sẽ phát đi tín hiệu không tốt cho nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có đồng và gây áp lực đến giá.
Nhập khẩu đồng các loại của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 10 so với tháng trước đó, với mức giảm hơn 20% từ 509.954 tấn xuống còn 404.414, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. So với năm ngoái, con số này cũng giảm 1.5%. Điều này cũng cho thấy sự suy yếu trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc, phù hợp với dữ liệu PMI sản xuất trong tháng 10 về dưới ngưỡng 50 biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy. Giá đồng do đó nhiều khả năng sẽ tiếp nhận lực bán trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, yếu tố nguồn cung thắt chặt sẽ phần nào hạn chế đà giảm quá mạnh của giá đồng. Gián đoạn tại mỏ đồng Las Bambas, mỏ lớn thứ 8 trên thế giới nằm tại Peru, thường cung cấp phần lớn cho Trung Quốc vẫn đang gặp gián đoạn do các cuộc biểu tình chặn đường.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ còn điều chỉnh trước khi quay trở lại đà tăng
Giá dầu duy trì đà giảm trong phiên sáng khi thị trường đón nhận thông tin tiêu cực từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc và cả dữ liệu kinh tế kém khả quan.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục lên mức đỉnh 6 tháng, trong khi chính phủ tiếp tục phương án phong tỏa mạnh tay và hạn chế đi lại tại những nơi dịch bùng phát, khiến cho kỳ vọng về sự mở cửa nhanh chóng giảm bớt. Trong khi đó, số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong vòng 2 năm, trái ngược với kỳ vọng tăng 4.3% của giới phân tích, cho thấy tác động mạnh mẽ của chính sách Zero-Covid. Trong giai đoạn tháng 10, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng, các tỉnh thành đã tích cực kiểm soát các vùng dịch, dẫn đến tác động là đóng cửa nhiều khu vực sản xuất, cảng biển và khiến vấn đề đứt nghẽn chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn. Tuy vậy, xét riêng mặt hàng dầu thô, nhập khẩu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6, đạt 10.16 triệu thùng/ngày, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy lọc dầu vẫn đang tăng cường nhập khẩu dầu thô sau khi được tăng hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu. Vì vậy, trước mắt, giá các sản phẩm lọc dầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là giá dầu thô.