Mở cửa phiên giao dịch ngày 09/02, lúa mì đang là mặt hàng nông sản duy nhất tăng giá. Lực mua được đẩy mạnh từ phiên hôm qua khi giá được hỗ trợ và bật tăng từ vùng chặn dưới của khoảng biến động đi ngang. Báo cáo Cung – cầu tháng 2 được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào tối qua chỉ tác động trung lập đến giá lúa mì và không mang đến nhiều thay đổi đáng chú ý về triển vọng cung cầu của mặt hàng này. Đây cũng chính là lí do mà chúng tôi cho rằng, xu hướng sideway của lúa mì vẫn sẽ tiếp tục trong vài phiên tới.
Lúa mì không là mặt hàng quan trọng được chú ý trong báo cáo tháng 2 do đây không phải giai đoạn mà cây trồng phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Mùa vụ ở các nước sản xuất lớn hầu hết đều trong giai đoạn ngủ đông và chưa có mối lo ngại hay rủi ro đáng kể nào. Chính vì thế nên triển vọng dài hạn về nhu cầu hay chính sách sản xuất, thuế của các nước sẽ là những thông tin có ảnh hưởng xuất hiện nhiều hơn.
Đại diện của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cho biết, trong những năm gần đây, nước này đã giảm sự phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu và thậm chí là mở rộng hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Theo ước tính của CONAB, Brazil sẽ nhập khẩu 5.8 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 22/23, trong khi xuất khẩu được dự báo ở mức 3.1 triệu tấn. Tuy vẫn chưa thể tự cung tự cấp lúa mì, nhưng CONAB đánh giá Brazil đang tiến đến rất gần mục tiêu này. Với việc chính phủ khuyến khích mở rộng diện tích trồng trọt để đối phó với tình trạng nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt do chiến tranh tại Ukraine, bang Rio Grande do Sul đã thu hoạch mức kỷ lục 5.7 triệu tấn lúa mì trong năm 2022, đóng góp hơn một nửa vào tổng sản lượng lúa mì của cả nước. Mặc dù vẫn còn vài tháng nữa hoạt động gieo trồng cho vụ thu hoạch năm nay mới bắt đầu, nhưng sản lượng lúa mì cho niên vụ 23/24 của Brazil được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao.

Thông tin cơ bản tiếp tục diễn biến trái chiều, giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục giằng co
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/02, cả 2 mặt hàng cà phê đều đảo chiều suy yếu. Arabica chịu áp lực từ dự báo nguồn cung tích cực tại Brazil trong niên vụ 2023/24 của IBGE, khiến giá giảm 0.96%. Sự suy yếu của Arabica đã kéo theo giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm 0.87% trong phiên hôm qua.
Sau mức tăng 4,555 bao, giúp tổng mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng, số bao đang chờ phân loại tiếp chỉ còn 3,000 bao, một con số khá thấp. Con số này có thể chỉ giúp mức tồn kho có sự khởi sắc nhẹ trong phiên hôm nay khi tỷ lệ thông quan khi phân loại ở mức khá thấp. Đồng thời lượng tồn kho đang đứng trước nguy cơ sẽ không có sự gia tăng trong thời gian tới khi sung lượng mở rộng đã cạn kệt cũng như sự thắt chặt xuất khẩu từ phía các quốc gia Nam Mỹ. Điều này đang tạo ra bức tranh thông tin cơ bản khá trái chiều.
Sự tích cực trong những dự đoán sản lượng cà phê của Brazil trong thời gian gần đây đang là yếu tố gây áp lực lên giá. Mới đây, IBGE cũng đưa ra dự đoán với sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tăng 5.7% so với năm ngoái lên 55.5 triệu bao. Trong đó, sự gia tăng chủ yếu đến từ Arabica với mức tăng 13.7% so với năm ngoái khi thời tiết trở nên tích cực hơn so với 2 năm ngoái.

Kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc có thể hỗ trợ giá đồng tăng trong phiên hôm nay
Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 09/02, giá đồng phục hồi nhờ sự suy yếu của đồng USD hỗ trợ lực mua và triển vọng tiêu thụ tích cực từ phía Trung Quốc, nhà tiêu thụ đồng hàng đầu.
Hàng tồn kho ở Quảng Đông đã giảm hai ngày liên tiếp do mức tiêu thụ cải thiện rõ rệt và hiện đã giảm xuống dưới mức 60,000 tấn. Hơn nữa, các số liệu đang cho thấy sự cải thiện tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 của nước này. Theo Bloomberg, hiện có khoảng 90.6% toàn bộ dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, số ca tử vong và các ca bệnh nặng đã giảm 98% so với mức cao nhất đạt được vào đầu tháng 1. Tình trạng lây nhiễm giảm dần thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng tăng tốc, kéo theo sự gia tăng trong nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng.
Bên cạnh công tác chống dịch hiệu quả, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã báo hiệu họ sẽ giữ chính sách tiền tệ tương đối lỏng lẻo trong năm nay để giúp phục hồi nền kinh tế. Một nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc nhận thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong quý II và PBOC có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) từ giữa năm nhằm gia tăng cung tiền cho nền kinh tế. Điều này sẽ giúp gia tăng sức mua trên thị trường đồng.
Tuy vậy, dự báo giá chưa thể tăng mạnh do vấn đề nguồn cung thắt chặt đã tam thời dịu bớt khi các mỏ đồng lớn tại Peru, nhà cung cấp đồng lớn thứ hai thế giới, đã hoạt động trở lại.

Giá dầu WTI có thể kiểm nghiệm lại vùng giá 80 USD nhờ các yếu tố kỹ thuật
Giá dầu giằng co trong sáng nay khi số liệu từ các báo cáo tuần và tháng của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã phản ánh hết vào giá. Sau ba ngày tăng liên tiếp, các nhà đầu tư đang thận trọng và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn trước khi gia tăng sức mua.
Triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá dầu từ đầu năm tới nay. Các nhà phân tích và các nhà sản xuất lớn đều kỳ vọng giá dầu có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc tăng lên và nguồn cung bổ sung hạn chế.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường thiếu sức bật khi nhu cầu của Trung Quốc vẫn phục hồi kém hơn so với mong đợi. Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới duy trì mặt bằng lãi suất cao cũng gây khó khăn nhiều cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ cần quan tâm đến số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Bên cạnh số liệu lạm phát, các số liệu việc làm cũng là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) căn cứ và điều chỉnh lãi suất, nhất là khi số liệu bảng lương phi nông nghiệp được công bố gần đây đã gây bất ngờ lớn cho thị trường.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)