Tăng gần 78 tỷ USD
6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 317,66 tỷ USD, tăng 32,5%, tương ứng tăng gần 78 tỷ USD với cùng kỳ năm trước, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan.
Trong đó, xuất khẩu đạt 158,34 tỷ USD, tăng 29%, tương ứng tăng 35,57 tỷ USD và nhập khẩu đạt 159,33 tỷ USD, tăng 36,3%, tương ứng tăng 42,43 tỷ USD.
Nửa đầu năm, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 219,87 tỷ USD, tăng 36,6%, tương ứng tăng 58,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 116,55 tỷ USD, tăng 34%; nhập khẩu đạt 103,32 tỷ USD, tăng 39,7%.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp FDI xuất siêu 13,23 tỷ USD (tính chung cả nước nhập siêu gần 1 tỷ USD-PV).
Có thể thấy trong 6 tháng đầu năm nay dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 (đợt dịch thứ 3 và thứ 4), cộng với đó là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng.
Ngoài yếu tố do cùng kỳ 2020 có tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm phần nào chứng minh được nỗ lực, hiệu quả của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điểm đáng ghi nhận khác là hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng cao, đồng đều ở cả 5 châu lục, cho thấy sự hội nhập kinh tế rộng lớn của Việt Nam.
Cụ thể, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 205,25 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,6%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Kim ngạch với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 66,23 tỷ USD, tăng 39,2%; châu Âu đạt 35,58 tỷ USD, tăng 19,2%; châu Đại Dương đạt 6,62 tỷ USD, tăng 42,3% và châu Phi đạt 3,98 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường trên hành trình chinh phục dấu mốc mới là 600 tỷ USD quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021.
Nếu những tháng cuối năm duy trì kim ngạch bình quân 53 tỷ USD như 6 tháng đầu năm, kết thúc năm 2021 nước ta sẽ đạt quy mô kim ngạch gần 640 tỷ USD.
Dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nhưng hy vọng với các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu sớm trở lại bình thường.
Bởi theo quy luật, những tháng cuối năm, Việt Nam thường đạt quy mô kim ngạch lớn hơn nửa đầu năm.
Đơn cử như năm 2020, Việt Nam và thế giới cũng chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm ngoái quy mô kim ngạch chỉ đạt 240,11 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2019.
Nhưng kết thúc năm 2020, xuất nhập khẩu vẫn đạt 545,36 tỷ USD tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, 6 tháng cuối năm đạt hơn 305 tỷ USD, bình quân hơn 50 tỷ USD/tháng cao hơn khoảng 10 tỷ USD/tháng so với bình quân 6 tháng đầu năm 2020.
Nhiều nhóm hàng tăng trưởng tỷ USD
Điểm sáng khác theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan là nhiều nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng ấn tượng với con số tăng thêm hàng tỷ USD.
Đối với xuất khẩu, các nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh có thể kể đến như: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng gần 7 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 4 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng hơn 3 tỷ USD; dệt may và giày dép cũng tăng hơn 2 tỷ USD/nhóm hàng.
5 nhóm hàng kể trên cũng là các nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 1 nhóm so với 6 tháng đầu năm 2020.
Nhóm hàng mới đạt dấu mốc 10 tỷ USD là giày dép với 10,38 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt ,13 tỷ USD).
Ở chiều nhập khẩu, nhiều nhóm hàng tỷ USD còn tăng trưởng tới 3 con số như hạt điều tăng 227,3%; cao su tăng 141,5%; phế liệu sắt thép tăng 115,8%; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 100,3%.
Xét về quy mô kim ngạch, nhập khẩu có 2 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng lớn nhất khi đạt tới 33,56 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 6,4 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng tới 21% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 2 là máy móc, thiết bị,dụng cụ, phụ tùng với 22,9 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 6,2 tỷ USD).
Thị trường lớn nhất của 2 nhóm hàng nhập khẩu nêu trên đều là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nguồn: Thái Bình/HQ Online