Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 10,9% về lượng, giảm 12,6% kim ngạch so với tháng 3/2024 và giá giảm 2%, đạt trên 1 triệu tấn, tương đương 619,89 triệu USD, giá trung bình 618,6 USD/tấn. Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 9,4% về lượng, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 22% về giá so với 4 tháng năm 2023, đạt gần 3,17 triệu tấn, tương đương gần 2,04 tỷ USD, giá trung bình 642,7 USD/tấn.
Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 4 tháng đầu năm 2024, chiếm 47% trong tổng lượng và chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 1,49 triệu tấn, tương đương gần 935,61 triệu USD, giá 628 USD/tấn, tăng 15,8% về lượng, tăng 44,5% về kim ngạch và tăng 24,8% về giá so với 4 tháng năm 2023; riêng tháng 4/2024 xuất khẩu đạt 478.705 tấn, tương đương 286,82 triệu USD, giá 599,2 USD/tấn, giảm 6,4% về lượng, giảm 8% kim ngạch và giảm 1,8% về giá so với tháng 3/2024.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 79% về lượng, tăng 133,7% kim ngạch và tăng 30,5% về giá so với 4 tháng năm 2023, đạt 548.582 tấn, tương đương 348,31 triệu USD, giá 634,9 USD/tấn, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 26,3% về lượng, tăng 59,1% kim ngạch và tăng 26% về giá so với 4 tháng năm 2023, đạt 202.387 tấn, tương đương 123,33 triệu USD, giá trung bình 609,4 USD/tấn, chiếm trên 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 1/5/2024, loại gạo 5% đạt mức 580 USD/tấn, tương đương với loại gạo cùng loại của Thái Lan. Loại gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (530 USD/tấn).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Bên cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành phố Cần Thơ tổ chức mới đây, các báo cáo nhận định, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn.
Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó, có Việt Nam.
Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Về thị trường trong nước, giá lúa tháng 4/2024 tiếp tục diễn biến trái chiều tùy theo từng chủng loại. Giá thu mua lúa ướt IR50404 tại An Giang đạt 7.450 đồng/kg, giảm 90 đồng/kg so với tháng 3 nhưng tăng 1.305 đồng/kg (21,2%) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó giá lúa OM5451 tại An Giang và Kiên Giang lần lượt đạt 7.489 đồng/kg (tăng 33 đồng/kg) và 7.400 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg), so với cùng kỳ năm 2023 tăng lần lượt 18% và 16,8%. Tại Hưng Yên và Nam Định, giá bán buôn trung bình gạo Bắc thơm lần lượt là 21.667 đồng/kg (giảm 833 đồng/kg) và 18.357 đồng/kg (giảm 810 đồng/kg). Tuy nhiên vẫn tăng lần lượt 60% và 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2024
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 14/5/2024 của TCHQ)
ĐVT: USD