Là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng hóa chủ lực, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may sang Liên minh Châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện, đồng thời thúc đẩy ngành dệt may nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tự động hoá, quản trị số… để đáp ứng quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” hết sức chặt chẽ của Hiệp định.
“Sau 2 năm EVFTA thức thi, Hiệp định đã tác động đến tầm nhìn trong chiến lược phát triển vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Hiệp định đòi hỏi từ vải tại thị trường Việt Nam, phải nói rằng là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mạnh vào phần công thiếu hụt” – ông Giang chia sẻ. Đồng thời cho biết, EVFTA cũng tác động đến một số dòng sản phẩm cao cấp với giá trị gia tăng tương đối cao hơn so với mục tiêu, hàng loạt những nhãn hàng lớn đã sản xuất các sản phẩm cho thị trường EU. Tác động thứ ba là tỷ trọng tăng trưởng, tuy chưa cao nhưng tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp khi dòng thuế được một số sản phẩm đã bắt đầu về 0. Cho nên, đấy là tác động rất tích cực và Hiệp định này sẽ là một mục tiêu cho dài hạn của ngành dệt may trong thời gian tới…
Cùng với dệt may, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng, nhóm hàng công nghiệp chế biến thu về 185,8 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 116,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu dầu thô tăng 57,4%; xăng dầu tăng 53%; quặng và khoáng sản khác tăng 13,2%).
Như vậy, tính đến hết tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 200 tỷ USD (đạt 216,35 tỷ USD) và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những tháng trước đó, cùng với sự thuận lợi về tỷ giá (tỷ giá USD tăng mạnh trong khi các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật lao dốc, tiền đồng ổn định đã tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam) nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 có sự sụt giảm so với tháng 6 chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hàng nông lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo với mức giảm lần lượt là 7,4% và 7,2%
Khai thác tốt cơ hội từ thị trường
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, cả nước đã chi 215,59 tỷ USD, để nhập khẩu hàng hóa, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phía Bộ Công Thương, trong tháng 7/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.
Dù vậy, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng vẫn là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 191,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 764 triệu USD.
Nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng đó, tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với thị trường Mỹ, Thương vụ tại San Francisco (Hoa Kỳ), cho biết năm 2022 và 2023 sẽ tổ chức một loạt các sự kết nối, diễn đàn giữa bang Oregon, bang Colorado, khu vực bờ Tây của Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam, từ đó nâng tầm các quan hệ hợp tác cả về thương mại và đầu tư, giữa các đối tác.

Nguồn: Bảo Ngọc/congthuong.vn/