Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường Nhật Bản và cơ hội đối với nông nghiệp của Việt Nam?
Doanh nghiệp chúng tôi nhiều năm qua đã làm ăn với các DN Nhật Bản, chủ yếu là về thủy sản. Thuận lợi lớn nhất là giá mua rất cao, có tính ổn định lâu dài. Tính cách người Nhật Bản là làm ăn ổn định và trung thành. Chúng tôi có những vùng nuôi tôm sinh thái ở Năm Căn, Cà Mau. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển vùng nguyên liệu năng suất cao hơn để xuất khẩu vào Nhật Bản.
Tổng giá trị xuất khẩu của chúng tôi hàng năm vào Nhật Bản chiếm khoảng 50%. Cho dù khó khăn nhưng việc xuất khẩu vào Nhật Bản là điều lúc nào chúng tôi cũng hướng tới. Theo tôi, Nhật Bản sẽ là thị trường chủ lực đối với thủy sản của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tân, PTGĐ Tổng Công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex)
Vậy khó khăn đối với thị trường này là gì thưa ông?
Thị trường Nhật Bản giá mua cao hơn cả EU và Mỹ, nhưng yêu cầu về chất lượng cũng thuộc nhóm cao nhất, kể cả yêu cầu về vi sinh hay truy xuất nguồn gốc. Không chỉ yêu cầu cao về chất lượng của sản phẩm mà còn xuất xứ của sản phẩm đó. Nhiều khi chúng tôi không xuất khẩu sang Nhật được mà phải quay sang các thị trường khác.
Sản phẩm của chúng ta nhiều khi không chứng minh được xuất xứ, có những lô hàng của chúng tôi phải tái kiểm tra 100%, làm tốn kém chi phí rất nhiều. Trong khi đó, nguyên liệu để chế biến thủy sản ở nước ta chủ yếu mua ở nhiều nơi nên khó kiểm soát.
Hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản chưa nhiều, xin ông cho biết sản phẩm chủ lực của Công ty ông là gì?
Sản phẩm chủ yếu của chúng tôi xuất sang Nhật Bản là tôm, hiện tại là tôm sú, sắp tới phát triển tôm thẻ, tiếp theo là cá tra và mực, bạch tuộc.Thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng những mặt hàng này.
Theo ông thì Doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này?
Nguyên liệu chế biến thường không phải do mình tự nuôi mà gom từ dân nên không kiểm soát được chất lượng. Vì thế Doanh nghiệp phải có những phương pháp như: hợp tác với vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng sản phẩm, cố gắng tự phát triển vùng nguyên liệu của riêng mình. Yêu cầu của Nhật Bản khắt khe nhưng DN phải khắc phục vì đó là yêu cầu tất yếu của thế giới. Để giải quyết vấn đề đó tôi nghĩ trong tầm tay có thể giải quyết được, từ đó sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản được nhiều.
Nhà nước cần hỗ trợ cho DN như thế nào để đảm bảo được mục tiêu trên?
Tôi nghĩ nhà nước cần có chế tài chặt chẽ về sử dụng thuốc thú y trong thủy sản. Loại nào không được dùng thì phải kiểm soát. Thứ 2 là quản lý vùng nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Thứ 3 là nhà nước cần hỗ trợ DN phát triển vùng nguyên liệu. Thứ 4 là đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị phù hợp để chế biến. Cuối cùng là nguồn nhân lực chất lượng, đảm bảo cho khâu chế biến sản phẩm.
Vâng xin cảm ơn ông!
Vũ Nguyệt