Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam điêu đứng mà Nhà nước cũng thất thu thuế hàng tỷ đồng mỗi tháng. Để có thể trụ vững trên thị trường nội địa và cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài thì doanh nghiệp thép Việt Nam cần phải nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và có chiến lược sản xuất rõ ràng.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 9 vừa qua có tới 7 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, lượng nhập khẩu lớn mặt hàng phôi thép từ nước này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước lo ngại.

Tính đến hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu thép tăng tới 660 triệu USD, lượng phôi thép nhập khẩu đạt hơn 1,1 triệu tấn tăng tới 290% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp đã nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom lớn hơn hoặc bằng 0,3% để được áp thuế nhập khẩu 0%.

Với việc khai báo nhằm lách thuế, ngân sách nhà nước ước bị thất thu khoảng 42 tỷ đồng. Ngoài ra, sự nhập khẩu ồ ạt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng khiến thị phần sản xuất thép trong nước bị thu hẹp lại, gây áp lực cho các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, công ty đang đầu tư thiết bị và công nghệ từ Châu Âu, Nhật Bản để có những sản phẩm chất lượng cao.

Ông dự định tìm cách tăng cường xuất khẩu vào những thị trường xa nhưng chất lượng cao để chống được rủi ro bị mất sản lượng do hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thép Trung Quốc nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam trong thời gian qua và được bán với giá rẻ khiến sức ép cạnh tranh đối với ngành thép trong nước ngày càng gia tăng.

Ông Sưa cho rằng, thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất thép của Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất thép, phôi thép nói riêng. Thứ nhất tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, thứ 2 là thị phần của các nhà sản xuất phôi thép ở Việt Nam bị thu hẹp lại. Bởi thực tế hiện nay, năng lực của các nhà sản xuất phôi thép ở Việt Nam đã lên tới trên 10 triệu tấn/năm, thế nhưng hàng năm chúng ta mới chỉ huy động được 50-60% năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thép Việt Nam phần lớn quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế. Để có thể cạnh tranh được với thép nước ngoài thì doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần phải đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lưu ý.

Theo Chung Thủy
VOV - Trung tâm Tin

Nguồn: VOV