Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 1,76 tỷ USD, giảm 39,6%.
Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27% so với tháng 2 nhưng giảm 6,5% so với tháng 3/2022. Nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD (tăng 16,3% so tháng 3/2022), lâm sản đạt 1,29 tỷ USD (giảm 22,5%), thủy sản đạt 720 triệu USD (giảm 29%) và chăn nuôi đạt 47,4 triệu USD (tăng 44,8%).
Tính chung 3 tháng, nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; riêng chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%.
Cụ thể, những mặt hàng giảm gồm càphê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3%); cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%); chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%); hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%); cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%); tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3%); mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD (giảm 34,9%).
Sự giảm giá trị trên bởi hầu hết các sản phẩm có giá xuất khẩu trung bình giảm so với cùng kỳ năm ngoái như cao su giảm 20,8%; hạt tiêu giảm 34,9%; hạt điều giảm 2,1%; càphê giảm 0,7%.
Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn như: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%).
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần; châu Mỹ 20,3%; châu Âu 12,8%; châu Đại Dương 1,4%; và châu Phi 1,2%.
Về thị trường riêng lẻ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ hai là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ ba là Nhật Bản với giá trị 936 triệu USD (chiếm 8,4%).
Dự báo thị trường thế giới tiếp tục có biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cạnh tranh kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự; Trung Quốc mở cửa thông quan hàng hóa nhưng cũng mở rộng diện tích sầu riêng, thanh long (những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này)... để chủ động nguồn cung.
Để đẩy mạnh phát triển thị trường, ngành nông nghiệp tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới.
Đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ cũng chuẩn bị tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Anh.

Nguồn: Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)