Dịp cao điểm làm bánh Tết của cửa hàng bánh gai Minh Tân (thị trấn Ninh Giang) bắt đầu từ sau 23 tháng Chạp. Khách hàng chủ yếu mua trực tiếp tại cơ sở. Bên cạnh đó, một lượng lớn bánh được gửi ô tô khách đi các nơi cho những khách ở xa đặt hàng qua điện thoại.
“Mặc dù so với Tết năm ngoái thì mức tiêu thụ giám khoảng 30% nhưng hiện nay mỗi ngày chúng tôi cũng bán ra được 5.000-6.000 bánh bao gồm cả bánh gai và bánh gấc, trong khi bình thường, hôm nào đông khách chỉ bán khoảng 2.000 cái”, ông Trần Đức Thế, chủ cơ sở bánh gai Minh Tân chia sẻ.
Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lượng bánh gấc tiêu thụ gấp 3 lần so với bánh gai. Theo ông Thế, tính riêng dịp Tết, cửa hàng Minh Tân bán ra khoảng 2 vạn bánh; trong đó có đến 1,5 vạn là bánh gấc.
Bởi theo quan niệm dân gian, bánh gấc có màu đỏ, tượng trưng cho may mắn, hanh thông. Thế nên vào ngày Tết, người dân rất chuộng loại bánh này.
Để kịp đáp ứng nhu cầu bánh dịp Tết, ông Thế thuê 10 lao động với mức tiền công cho ngày Tết khoảng 400 nghìn đồng/người/ngày. Liên tục từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối, mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị nhân, lá, gói bánh, hấp bánh, giao hàng cho khách mua trực tiếp và chuyển xe ô tô gửi bánh đi các nơi.
Toàn huyện Ninh Giang hiện có khoảng 70 cơ sở làm bánh gai, bánh gấc. Trong đó, khoảng 20 cơ sở tập trung ở thị trấn Ninh Giang. Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Ninh Giang, không chỉ cơ sở Minh Tân mà ở những cơ sở lớn khác như: Bà Tới, Nhân Hưng, Trần Bình, Tuyết Nga… đều đắt khách.
“Theo tôi được biết, Tết này, cơ sở Tuyết Nga bán ra khoảng 8.000 bánh gai và bánh gấc, gấp 4 đến 5 lần lượng bánh bán ra ngày thường”. Một số cơ sở lớn vẫn làm bánh đến tận 30 Tết, chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, còn sang ngày mùng 2 Tết đã sản xuất trở lại.
Bên cạnh món bánh gai và bánh gấc dân dã, đậm đà vị quê, hợp với Tết cổ truyền, món giò trâu và chả trâu Ninh Giang cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh.
Ông Nguyễn Thành Vạn cho biết, món giò chả trâu ở huyện mới có khoảng 20 năm trở lại đây nhưng đang ngày càng thịnh hành và được người tiêu dùng các nơi biết đến.
Ban đầu, chỉ một vài hộ gia đình làm nhưng đến nay đã có khoảng hơn 10 gia đình làm thường xuyên. Thị trường giò chả trâu Ninh Giang hiện nay không chỉ giới hạn trong tỉnh Hải Dương mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác.
Theo chủ cơ sở Hòa Trâu (thị trấn Ninh Giang), cơ sở có hơn 10 năm trong nghề này, từ khoảng 20 tháng Chạp đã có khách hàng gọi điện đặt mua hàng Tết. Nếu như ngày thường, mỗi tháng cơ sở này bán ra khoảng 1 tấn giò chả trâu nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày Tết đã bán ra khoảng 6 tấn.
Cao điểm, có ngày bán ra 1 tấn giò chả trâu. Nhân viên phải làm ngày làm đêm mới kịp giao cho khách đặt. Trước Tết khoảng 2 tháng, cơ sở này đã phải chuẩn bị nguyên liệu kỹ càng cho đợt hàng Tết. Chính vì vậy, trong khi nhiều mặt hàng dịp Tết tăng giá thì món giò chả trâu vẫn giữ giá như ngày thường.
Không chỉ phục vụ nhu cầu mâm cỗ Tết cho các gia đình ở trong huyện, trong tỉnh, mấy năm gần đây, các cơ sở sản xuất giò chả trâu Ninh Giang còn cung cấp cho nhiều cơ quan, công ty ở Hải Dương để làm quà Tết cho nhân viên, gửi hàng đi nhiều tỉnh miền Bắc và thậm chí gửi sang nước ngoài.
Có thể thấy, mặc dù hiện nay, thực phẩm và bánh kẹo tiêu dùng dịp Tết càng ngày càng đa dạng, giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn nhưng nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn, chất lượng, độc đáo thì các món ăn truyền thống vẫn có chỗ trên thị trường, thậm chí còn được người dân tin dùng.
Và dịp Tết chính là cơ hội rất tốt để các làng nghề quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.