Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên.
Không hẳn tất cả niềm hy vọng đều tắt
Trong báo cáo đánh giá kinh tế châu Á “Liệu có buồn về TPP? Hướng về Hiệp định RCEP…” vừa được phát hành, HSBC nhận định, sẽ có rất nhiều ẩn số sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không có nhiều cơ hội được thông qua và Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia bảo hộ các nền công nghiệp trong nước. Điều này rất quan trọng đối với các nước châu Á.
Hiện nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á đã là thành viên của Hiệp định TPP như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Úc, New Zealand và Việt Nam trong khi các nước khác cũng khao khát mong muốn được tham gia. Đa số các tài liệu đều chắc chắn cho rằng TPP đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực – nhiều hơn cả là cho Việt Nam - và việc thực thi Hiệp định TPP sẽ loại bỏ những khó khăn về chính trị nhưng mang lại những cải cách lợi ích kinh tế.
"Tôi tin rằng Tổng thống mới của nước Mỹ có trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như việc làm cho người dân, và chúng tôi tại HSBC tin rằng tự do thương mại được đặt trên nền móng các nguyên tắc vững chắc sẽ mang đến sự thịnh vượng. Cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái tiếp theo, đồng thời cần giữ vững tinh thần tiến lên phía trước để tận dụng mọi lợi thế có được từ các hiệp định thương mại đang trong vòng đàm phán. Mặt khác, việc chúng ta cần làm song song là xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh", ông Phạm Hồng Hải cho biết.
Tuy nhiên theo HSBC, không hẳn tất cả niềm hy vọng đều tắt. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, chúng ta hiện nay có thể đang dồn quá nhiều tập trung vào khả năng TPP không được thông qua mà quên rằng, đàm phán của các hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang tiếp diễn.
Một trong những đàm phán quan trọng có thể kể đến là FTAAP - Khu vực tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương, một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm, kết nối 21 nền kinh tế trên thế giới bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. FTAAP bao phủ 60% GDP toàn thế giới và 50% giá trị thương mại toàn cầu. Văn kiện thống nhất của FTAAP đã được hoàn tất và chương cuối của FTAAP đang được gấp rút thực hiện.
Một hiệp định thương mại khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này kết nối ba nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22.400 tỷ USD GDP và 10.000 tỷ đô USD giá trị thương mại thế giới.
Hiệp định này đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do nó sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các hiệp định tự do thương mại trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này.
Nên “nắm lấy những gì có thể”
Theo HSBC, phạm vi của Hiệp định RCEP hạn chế hơn so với Hiệp định TPP. RCEP bao gồm các điều khoản thông thường của một thỏa thuận thương mại tự do, chẳng hạn như thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Có một vài dấu hiệu cảnh báo rằng, hiệp định ký kết cuối cùng sẽ cắt giảm bớt một số điều khoản, đặc biệt là do những lo ngại của Ấn Độ về vấn đề thâm hụt thương mại đã lớn với Trung Quốc ngày càng phình to hơn và việc Nhật Bản khá miễn cưỡng cho mở cửa lĩnh vực nông nghiệp. Thỏa thuận cuối cùng nhiều khả năng sẽ đầy đủ những miễn trừ cụ thể của từng quốc gia và nhiều biểu thuế sẽ vẫn giữ nguyên.
Mặc dù có những hạn chế nhưng Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới. Hiệp định này sẽ đặc biệt thuận lợi cho các nước trong khối ASEAN, vì RCEP sẽ giảm bớt sự phi lý của các hiệp định thương mại tự do FTA có sẵn trước đây và đồng thời cũng tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như là một cơ sở sản xuất.
Hơn nữa, bằng cách kết nối ba thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, Hiệp định RCEP đưa ra một khuôn mẫu phát triển "Nam-Nam" mới, và từ đó có thể phần nào bù đắp tình hình nhập khẩu và đầu tư ảm đạm ở các nước phương Tây.
Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP. Một mặt, Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên.
Mặc dù từ Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng (mà chưa phải hiệp định đã hoàn tất việc ký kết), cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng thua thiệt nhiều nhất từ việc TPP không được thông qua. Hiệp định TPP đã có thể mang giúp các doanh nghiệp Việt Nam khả năng tiếp cận thị trường Mỹ đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đáng kể.
Cũng theo HSBC, le lói một khả năng mang tính kỹ thuật rằng Tổng thống Obama có thể cố gắng thúc đẩy thông qua Hiệp định TPP tại Quốc hội Mỹ với sự hỗ trợ của Đảng Cộng hòa, trong vai trò Tổng thống sắp thoái trào trước khi ông Trump chính thức nhậm chức. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tin rằng, có thể hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội sẽ cùng hỗ trợ để thông qua pháp chế phê chuẩn Hiệp định TPP, bất chấp sự phản đối của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, “chúng tôi nghĩ rằng môi trường chính trị xung quanh cuộc bầu cử và việc đa số đồng thuận chống lại Hiệp định TPP có nghĩa là trong vòng bốn năm tới ít có khả năng TPP sẽ được Mỹ thông qua”, HSBC cho biết.
HSBC cũng tin rằng, chiến thắng của ông Donald Trump mở ra một thời kỳ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế Mỹ. Các tác động trung hạn của chính quyền mới sẽ phụ thuộc vào những chính sách mà ông Trump cam kết thực hiện trong quá trình bầu cử, nhưng bảy phương án hành động về thương mại của ông Trump cho thấy các nền kinh tế châu Á có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Ít nhất, chúng tôi thấy được việc TPP không được tiếp tục bình luận và Mỹ không thể khởi động các sáng kiến thương mại khác trong vòng bốn năm tới, và điều đó sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP thêm nữa”, HSBC nhận định.
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn