Bộ Công Thương vừa đưa ra đánh giá khá toàn diện về quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ. Theo đó, chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng gần 5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 139 tỷ USD tỷ USD vào năm 2021.
Bước sang năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hai chiều trong 4 tháng đầu năm tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 50 tỷ USD.
Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua. Tại khu vực châu Mỹ, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các hoạt động thương mại với Hoa Kỳ chiếm tới hơn 80% trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Mỹ.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường châu Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Người dân và doanh nghiệp thích nghi dần với cuộc sống bình thường mới, sẽ không còn nguy cơ phong tỏa, đóng cửa hay hạn chế đi lại kéo dài gây đình trệ dòng sản xuất, lưu chuyển hàng hóa.
Các chuỗi cung ứng, sản xuất mới sẽ nhanh chóng được định hình hoặc điều chỉnh. Các gói cứu trợ kinh tế tiếp tục phát huy, thu nhập và sức mua của người dân được cại thiện đáng kể, sẽ bật tăng trở lại sau một thời gian dài kìm nén.
“Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt để đưa được sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng vào thị trường châu Mỹ rộng lớn”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Mặc dù đã có những bước phát triển tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ, song theo Bộ Công Thương vẫn tồn tại một số thách thức để thúc đẩy thương mại hai chiều.
Một là, sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn thấp. Còn nhiều mặt hàng thị trường có nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết và mức độ xâm nhập chưa nhiều như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sắt thép, hàng thủy sản...
Hai là, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối tại các nước sở tại vì các tiêu chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn về các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa.
Ba là, khoảng cách địa lý xa xôi ảnh hưởng lớn đến chi phí, thời gian vận chuyển. Trong đó, Mỹ Latinh là khu vực có khoảng cách và thời gian vận chuyển lớn nhất, với thời gian trung bình 2 tháng. Điều này trực tiếp làm hạn chế việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, cùng với đó làm giảm tính cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm bản địa.
Bốn là, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, lạm phát tại các nước sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, chi phí sản xuất, năng lượng, logistics tăng cao cũng làm giảm tính cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp cần điều tra, khảo sát sức mua, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường để xác định chính xác đích đến của các sản phẩm của mình là thị trường nào, từ đó có những kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu và nắm vững những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia châu Mỹ, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện...

4 tháng đầu năm 2022, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Mỹ gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, dệt may… Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ châu Mỹ gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, bông các loại…

 

Nguồn: Haiquanonline