Để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần nghiên cứu rất kỹ thị trường, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm…
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sản xuất và xuất khẩu gia vị, hương liệu nói chung có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới. Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Ông Lê Đức Huy, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang duy trì diện tích hồ tiêu 130.000 ha với sản lượng 180.000 tấn/năm. Đến nay, hạt tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu hiện chiếm 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới.
Cùng với số lượng, chất lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng được cải thiện và sản phẩm phong phú với tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm…
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu và nhiều loại gia vị, hương liệu khác của thế giới đang tăng trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid 19, chi phí logistics tăng vọt.
Về tiềm năng thị trường thế giới, trong đó có thị trường Ấn Độ với gia vị, hương liệu của Việt Nam, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, kim ngạch nhập khẩu hương liệu, gia vị hàng năm của Ấn Độ đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu hạt tiêu đạt 120 triệu USD và nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 25-30 triệu USD.
Ông Trần Trọng Kim, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út cũng chia sẻ, thị trường này tiêu thụ rất nhiều loại gia vị khác nhau, hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài trong đó có Việt Nam. Thói quen mua sắm nhiều và thường xuyên của người Ả rập là một điểm thuận lợi cho các nước xuất khẩu hàng hóa vào thị trường bao gồm cả Việt Nam.
“Các loại thảo mộc, gia vị như quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, hạt tiêu và nhiều loại khác được thêm vào tất cả các món ăn. Các sản phẩm khác bao gồm gia vị muối, tiêu, hỗn hợp gia vị, ớt bột, nghệ, gừng...”, ông Kim nói.
Đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác nước ngoài, song ông Lê Hoàng Tài lưu ý, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát ổn thỏa tình hình dịch bệnh Covid-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất.
Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu.
Còn ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ, có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm ví dụ nhiều loại nguyên liệu gia vị trộn thành 1 loại gia vị với hương vị đặc trưng. "Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu hương vị của các nước để làm ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của thị trường này, tạo sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác...", ông Thướng nói.
Nhấn mạnh vào thị trường Ả rập Xê út, theo ông Trần Trọng Kim, một góc độ khác mà các doanh nghiệp cần lưu ý là vật liệu đóng gói chính cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị ở Ả rập Xê út nên là thủy tinh, bao bì linh hoạt, giấy và bìa, nhựa cứng và các loại khác. Các thùng đóng gói có nhiều loại khác nhau như lọ, chai, túi/gói, bồn, hộp, túi và ống.
Với thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan chia sẻ, để gia vị Việt thâm nhập vào thị trường, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường khối này.
Nếu các công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường thì có thể tham gia hội chợ như Anuga của Đức để quảng bá sản phẩm, tham khảo thông tin trên trang website của các hiệp hội, ngành nghề châu Âu…