Chuyến thăm Việt Nam của Cao ủy EU diễn ra vào thời điểm EU và Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do và dự kiến sẽ sớm ký kết trong thời gian tới.

Cùng đi với Cao ủy Hogan là đại diện 41 công ty thực phẩm và đồ uống châu Âu đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp đến Việt Nam lần này đang hoạt động tại Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Tại Hà Nội, phái đoàn EU sẽ tham gia hội thảo về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU với các chủ đề về an toàn thực phẩm, đầu tư, phân phối, việc cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống và cơ hội kinh doanh.

Còn ở TPHCM, phái đoàn sẽ dự hội thảo về một số khái niệm liên quan đến chất lượng thực phẩm (như “Chỉ dẫn địa lý - GIs) và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, một diễn đàn kinh doanh sẽ được tổ chức nhằm cung cấp cho đoàn doanh nghiệp châu Âu thông tin cần thiết về tiếp cận thị trường, quy định và luật pháp cũng như xu hướng tiêu dùng và khẩu vị đối với thực phẩm chất lượng cao của khách hàng Việt Nam. Bên lề các sự kiện này là những cuộc gặp gỡ giữa đại diện doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam (gồm các nhà xuất khẩu, phân phối và bán lẻ) thảo luận các thỏa thuận kinh doanh.

Chuyến công tác thương mại cấp cao này là biểu hiện mối quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Việt Nam cùng với mong muốn tìm được cơ hội kinh doanh mới tại thị trường Việt Nam.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU lên tới 1,54 tỷ USD, đưa EU trở thành đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam.

Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt trên 38,4 tỉ Euro, trong đó EU nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 29,9 tỉ Euro; Việt Nam nhập khẩu của EU đạt 8,4 tỉ Euro.

Cũng trong năm 2015, Việt Nam đứng thứ 21 trong danh sách các đối tác thương mại của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).

EU với 28 quốc gia cũng là thị trường ngoài nước lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khối ASEAN (sau Singapore).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU gồm điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, hàng dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU sản phẩm công nghệ cao như máy móc và thiết bị điện, máy bay, các loại xe và dược phẩm.

Nguồn: chinhphu.vn