Diễn ra từ ngày 7 - 10/1 tại tỉnh Vĩnh Long, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 không chỉ mang đến cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương mà còn là dịp khẳng định, tôn vinh giá trị lúa gạo và vai trò quan trọng của người trồng lúa.
Festival là nơi để các doanh nghiệp, hợp tác xã và chính bản thân người nông dân được tiếp thị, quảng bá sản phẩm do mình làm ra, tăng cường liên kết hợp tác đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
*Tôn vinh giá trị hạt gạo
Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 đã diễn ra Hội thi Gạo ngon thương hiệu Việt với 7 đội là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã lúa gạo đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long. Tại hội thi đã giới thiệu các sản phẩm gạo gồm: ST24, MS19RMTT, ST25, Hạt Ngọc Rồng, Ngọc trời Thiên Vương, gạo đặc sản VD20 Gò Công, gạo lúa tôm Kiên Giang....
Đặc biệt, sau phần thi nấu cơm, các đơn vị đã thuyết trình, giới thiệu nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm dự thi, thị trường tiêu thụ, chiến lược maketing sản phẩm và qua đó khẳng định thương hiệu lúa gạo của đơn vị trên thị trường.
Với tiêu chí quan trọng là chất lượng gạo và thương hiệu gạo, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã giới thiệu, quảng bá một cách sinh động, đầy đủ về sản phẩm gạo do mình làm ra, về chất lượng, an toàn đối với sức khỏe với người tiêu dùng.
Ông Trầm Minh Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, tại Festival lần này, hợp tác xã mang theo gạo Hạt ngọc rồng, là sản phẩm gạo hữu cơ được trồng trong vùng luân canh lúa tôm, đất ruộng nhiễm mặn, mỗi năm chỉ canh tác một vụ lúa vào mùa mưa, khi thu hoạch tôm xong sẽ trồng lúa. Cuộc thi là cơ hội tốt để hợp tác xã quảng bá hình ảnh sản phẩm gạo do chính tay đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh sản xuất đến bạn bè trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Khách tham quan đến tìm hiểu các loại gạo trưng bày tại Festial. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN
"Tại cuộc thi, không chỉ ban giám khảo mà rất nhiều người dân, các nhà phân phối tham gia Festival lúa gạo cũng đã có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm này. Đây chính là một cơ hội để chúng tôi tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian sắp tới", ông Thuần chia sẻ.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Văn Thành cho biết, Festival lúa gạo lần 4 năm 2019 từng đem đến cho công ty một cơ hội lớn khi sản phẩm gạo của công ty đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Thương hiệu Việt. Qua đó, sản phẩm gạo được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.
Đến nay, công ty không chỉ phát triển sản phẩm này như một loại thực phẩm hàng ngày dùng trong gia đình, mà còn phát triển theo hướng nâng cao giá trị hạt gạo thành món quà Tết và được nhiều đơn vị, người dân tin tưởng sử dụng.
Công ty hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều giống lúa, vùng trồng, mẫu mã bao bì, để đa dạng hơn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
"Đến với cuộc thi năm nay, chúng tôi mong muốn mang đến người tiêu dùng một sản phẩm gạo chất lượng nữa của công ty, để có thêm sự lựa chọn. Hội thi là dịp để chúng tôi giới thiệu sản phẩm của mình, mang nó đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua cách tiếp cận rất sinh động, hấp dẫn", ông Thành nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trường Đại học Cần thơ, Trưởng ban giám khảo Hội thi Gạo ngon Thương hiệu Việt, hội thi đặt ra các tiêu chí là gạo ngon và gạo có xây dựng được thương hiệu. Qua phần thi, các sản phẩm gạo dự thi đều đạt chất lượng, hầu hết đều là sản phẩm OCOP, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo đó, gạo không chỉ ngon, vừa miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đạt chuẩn chất lượng theo chứng nhận của quốc gia, có thể truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, một số loại gạo đã có nhiều thị trường chấp nhận, đặc biệt là thị trường các nước trong khu vực và thị trường châu Âu chấp nhận.
Song song đó, các công ty, hợp tác xã cũng đã chú trọng nâng cao thương hiệu gạo, quan tâm đến việc tận dụng các kênh truyền thống là trực tiếp đến khách hàng, đồng thời sử dụng kênh thương mại điện tử để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế, tiếp cận được người tiêu dùng.
Ông Lê Nguyễn Đoan Khôi chia sẻ: "Hạt gạo là thức ăn truyền thống của người Việt Nam, không có sản phẩm nào thay thế được. Tuy nhiên, hiện nay với vai trò phát triển những chuỗi sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm sau gạo thì các công ty, hợp tác xã đã quan tâm gắn kết những sản phẩm giá trị gia tăng của hạt gạo để có thể mang lại giá trị cao hơn, đồng thời giúp khách hàng được sự trải nghiệm tiêu dùng tốt hơn trong tương lai".
*Cơ hội để hạt gạo vươn xa hơn
Theo Ban tổ chức, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 - Vĩnh Long năm 2021 vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, vừa góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khách tham quan đến tìm hiểu các loại gạo trưng bày tại Festial. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN
Tham gia Festival Lúa gạo Việt Nam lần này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã rất phấn khởi, bởi đây không chỉ là sự kiện để tôn vinh lúa gạo mà còn là nơi để người làm ra lúa gạo được gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệp và hơn hết là để họ tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng, bắt nhịp được thị trường để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, đối với các hợp tác xã trước nay vẫn thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường, kết nối cung cầu, thì đây cơ hội để nhiều người biết đến sản phẩm của hợp tác xã, là dịp để phát triển được thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Văn Trưởng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, là một người nông dân, trước nay, ông cũng như nhiều hội viên khác chỉ quen sản xuất trên đồng ruộng, sản phẩm làm ra chỉ bán cho thương lái. Qua thực tiễn nhận thấy, hướng canh tác này không còn phù hợp với thời buổi công nghệ 4.0.
Do đó, ông đã cùng những người ở địa phương sáng lập ra Hợp tác xã Nông nghiệp Làng Hữu cơ Hiếu Thuận để đưa hạt gạo an toàn đến với gia đình mình và người tiêu dùng. Tuy nhiên, mấy mươi năm gắn bó với nghề nông, ông vẫn quen chứng kiến cảnh trúng mùa thì mất giá, mà được giá thì lại mất mùa, sản phẩm làm ra luôn bán với giá trị thấp.
"Chúng tôi nghĩ, vì sao không tự mình làm ra sản phẩm rồi tự mình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng để giá trị sản phẩm được nâng lên hơn. Các dịp hội chợ cũng như Festival lần này chính là cơ hội quan trọng để chúng tôi tự giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình, không chỉ mở rộng thị trường cho đơn vị mình mà còn giúp thương hiệu gạo ngon đi xa hơn, có tiếng nói trên thị trường hơn", ông Trưởng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Phát (tỉnh Bình Dương) cho biết: "Tôi đến với Festival lần này để kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu liên kết, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao phục vụ cho bảo quản sau thu hoạch. Qua tham quan và tìm hiểu có thể thấy có những doanh nghiệp rất sáng tạo nhưng trước nay chúng tôi không hề biết tới.
Đến trực tiếp, được nói chuyện với người trong ngành giúp chúng tôi hiểu được câu chuyện phía sau và cách mà người nông dân đã làm như thế nào để mang lại giá trị cho sản phẩm, từ đó chúng tôi sẽ có những hướng đi, kết nối phù hợp để cùng nhau hoàn thiện chuỗi sản phẩm lúa gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, với chủ đề "Nông nghiệp bền vững – Phát triển cùng nhà nông", Festival lúa gạo Việt Nam lần 5 không chỉ là nhịp cầu kết nối để các tỉnh, thành giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng cường liên kết hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm của các địa phương.
Đặc biệt, Festival còn mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tăng cường liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chiến lược đảm bảo vai trò chủ lực của ngành đối với sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phần vào an ninh lương thực thế giới, qua đó, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.