Chủ đại lý cửa hàng Biti's trên phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mặc dù chưa vào hè nhưng các mặt hàng giày, dép năm nay do các DN trong nước sản xuất tung ra khá lớn. Nhiều nhất vẫn là các sản phẩm của Biti's, Sài Gòn, Giày da Hà Nội và hàng gia công của các làng nghề, cơ sở nhỏ. Những sản phẩm này có giá bán bình dân từ 150.000- 250.000 đồng/đôi với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Đáng chú ý, phân khúc hàng cao cấp năm nay cũng được nhiều DN đẩy mạnh sản xuất. Theo ông Bùi Hồng Hòa - Chủ cơ sở giày, dép Phương Quỳnh (Hải Phòng) - từ cuối tháng 3, cơ sở đã bắt đầu đưa 10 mẫu hàng hè ra thị trường, với hàng chục nghìn sản phẩm được chuyển tới hệ thống phân phối. Năm nay, Phương Quỳnh tập trung sản xuất giày, dép nam bằng da thật, da thuộc phân khúc cao, giá khoảng 1 triệu đồng/đôi.
Việc nâng cao vị thế của giày dép Việt trong những năm gần đây đã giúp DN sản xuất trong nước có những bước tiến nhất định chiếm lại “sân nhà”. Tuy nhiên, để đứng vững ở thị trường nội địa không phải là chuyện dễ dàng, vì ngoài việc phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, chế độ bảo hành, các DN sản xuất trong nước còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) - cho biết: 50% sản phẩm giày, dép tiêu thụ trên thị trường nội địa hiện đến từ Trung Quốc, Thái Lan. Cả nước có khoảng 800 DN hoạt động trong ngành da giày, nhưng sản xuất nội địa hầu hết là DN nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, chưa có kỹ năng nghiên cứu, đánh giá thị trường chuyên nghiệp nên việc đầu tư sản xuất gặp không ít khó khăn. Mặt khác, tư tưởng sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng cũng khiến giày, dép Việt khó cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Để có thể cạnh tranh với làn sóng hàng ngoại nhập, đại diện Lefaso cho hay: DN sản xuất giày, dép trong nước cần hình thành chuỗi liên kết bằng việc mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng trong nước nhằm hạ giá thành, ổn định sản xuất. Đây cũng là giải pháp phải nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia bày tỏ, các chương trình đưa hàng về nông thôn lâu nay mới chỉ tập trung trong một thời gian nhất định, chưa để lại nhiều dấu ấn về giày, dép Việt trong lòng người tiêu dùng. Ngoài ra, chi phí vận chuyển là một trong những vấn đề DN phải tính đến khi đưa hàng về nông thôn. Vì vậy, việc kết nối giữa các DN sản xuất và DN thương mại địa phương để tạo ra các kho, trạm chung chuyển là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN mà còn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày, dép trong nước hiện vào khoảng 150 triệu đôi/năm, song sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Vì vậy, thị trường nội địa vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng cho các DN giày dép nếu biết đầu tư khai thác.
 Nguồn:Việt Nga - Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử