Liên kết sản xuất kinh doanh
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Hải Dương cho biết, năm 2023, các chương trình xúc tiến thương mại đã góp phần vào việc ổn định thị trường; phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với môi trường và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, hợp tác và liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp Hải Dương.
Việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung/cầu tại các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và nước ngoài cũng đã giúp doanh nghiệp Hải Dương quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình ra thị trường trong nước, quốc tế. Thị trường, hàng hóa của tỉnh tiếp tục được mở rộng cả trong và ngoài nước; nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu được sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, EU... Từ việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được trên trên 150 bản ghi nhớ và giao dịch thương mại, trong đó có nhiều bản đã chuyển thành hợp đồng thực hiện với giá trị cao.
Cùng với đó, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp trong tỉnh khi tiếp thu được những tiến bộ khoa học công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
Đáng chú ý, những năm gần đây, sắn dây trở thành cây trồng chủ lực của người dân thị xã Kinh Môn nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung. Thị xã Kinh Môn dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng cây sắn với 262 ha, tập trung tại các xã như: Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Hiệp Hòa.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại thị xã Kinh Môn nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất tinh bột sắn dây. Mô hình hợp tác liên kết đã giúp mở rộng quy mô sản xuất, người dân có đầu ra cho sản phẩm. Toàn thị xã Kinh Môn có gần 50 cơ sở chế biến bột sắn dây, một số cơ sở đã đầu tư dây chuyền quy mô tự động hóa liên hoàn từ khâu rửa củ, làm sạch vỏ, ép sắn và sấy tinh bột.
Trong đó, sản phẩm bột sắn dây Tràng An của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu ATC Việt Nam được thu mua thông qua Hợp tác xã của địa phương. Sản phẩm mang tính tiện lợi, được đóng trong túi nhỏ, dễ sử dụng 1 gói 22 gram, tặng kèm 06 túi đường. Sản phẩm của Vùng đất Kinh Môn Hải Dương được mệnh danh số 1 Việt Nam (như Bưởi Diễn và Phúc Trạch). Đây là niềm tự hào của người dân Hải Dương nói chung và thị xã Kinh Môn nói riêng. Thành phần bột sắn dây nguyên chất (99%), bột da cá tuyết (1%) sản phẩm của Nauy theo tiêu chuẩn quốc tế.Sản phẩm bột sắn dây Tràng An mang tính tiện lợi.
Ông Nguyễn Mậu Châu - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu ATC Việt Nam - cho biết: "Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng 1 sản phẩm tự nhiên, nguyên chất, không chất bảo quản, nhưng vẫn đảm bảo thành phần dinh dưỡng, chúng tôi đã cho ra đời bột sắn dây Tràng An - Tràng An Legend.
Bên cạnh đó, Tràng An Legends không chỉ hỗ trợ cộng đồng địa phương, từ cung cấp việc làm cho người dân địa phương đến việc đầu tư các dự án phát triển cộng đồng, mà còn hợp tác với các tổ chức hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội. Qua đó, hỗ trợ kinh tế địa phương cũng như những người yếu thế có công ăn việc làm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giúp cho địa phương ngày càng phát triển, gìn giữ được ngành nghề truyền thống của vùng Kinh Môn – Hải Dương nói riêng, cũng như xã hội nói chung."
Đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm tiềm năng
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, theo định hướng phát triển thị trường và ngành hàng, Hải Dương sẽ tập trung trung khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn, tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng, tận dụng các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường liên kết, hợp tác và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các khu vực, vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh; chú trọng xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế xuất khẩu; các mặt hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động phát triển thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối trong nước ổn định cho các loại nông sản có tính thời vụ; các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng, các sản phẩm OCOP.
Để thực hiện các định hướng phát triển thị trường, năm 2024, tỉnh Hải Dương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tại Lễ hội mùa Xuân - Côn Sơn 2024; xây dựng chuyên mục quảng bá, giới thiệu tiềm năng kinh tế, công nghiệp và thương mại; các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh Hải Dương trên Trang thông tin điện tử Kết nối doanh nghiệp Á-Âu (AsemconnectVietnam.gov.vn); tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và các hoạt động kết nối tiêu thụ, xuất khẩu liên quan đến vải thiều và nông sản.