Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, Hiệp hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nắm vững hoặc có các hiểu biết nhất định về chính sách pháp luật phòng vệ thương mại hoặc có các kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và có 13 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn.
Với mức thuế đối với hàng nhập khẩu của chúng ta đã về thấp, có loại về 0%, khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Trong bối cảnh đó, cần chủ động nghiên cứu các biện pháp hợp pháp như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đánh giá, đây là công cụ phổ biến và là yếu tố gần như bắt buộc trong môi trường kinh doanh thực tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã cho những kết quả tích cực. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện đang điều tra 20 vụ án phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150 nghìn việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống nông dân của hàng chục vạn nông dân như đường mía nhập khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Phạm Châu Giang
Đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiệu quả mang tính tích cực là tăng thu cho ngân sách. Theo thống kê, tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại còn bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước, đóng góp 6% tổng GDP năm 2019, giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, khủng hoảng, giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại thông tin, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án nâng cao năng lực về Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý cho Đề án nâng cao năng lực về Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA và Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại. Đại diện Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đã trao đổi, phản hồi cụ thể về các ý kiến của đại biểu và khẳng định, tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Cục Phòng vệ thương mại tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Đề án và Thông tư theo đúng quy định.
Hồng Hạnh