Thông tin trên được chia sẻ tại tọa đàm “Tiếp cận thị trường Pháp sau đại dịch Covid-19” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 15/6.
Thặng dư thương mại liên tục tăng
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại thương toàn cầu nói chung cũng như của Việt Nam và Pháp, hợp tác thuơg mại giữa Việt Nam và Pháp vẫn đạt được những bước phát triển tích cực trong năm 2021.
Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý. Trong nhiều năm qua, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp luôn lớn hơn nhiều so với trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vì vậy luôn ở trạng thái thặng dư trong thương mại hàng hóa với Pháp. Đáng chú ý là mức thặng dư thương mại này liên tục tăng kể từ năm 2013 đến nay.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 3,2 tỷ USD. Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép, dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; hàng mây tre đan…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Pháp ghi nhận mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,1 tỷ USD.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Pháp vào Việt Nam năm 2021 đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng nhẹ 5,3% so với năm 2020. Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nguyên liệu làm thuốc, dược phẩm, động cơ hàng không, nước hoa và sản phẩm vệ sinh, hóa chất, nhôm tấm, máy móc thiết bị đo lường…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Pháp vào Việt Nam ghi nhận giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 450 triệu USD.
Nhiều mặt hàng có cơ hội sau dịch Covid-19
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp có thể đánh giá năng lực của mình để phát triển các thị trường mới sau khi các đối tác xuất khẩu truyền thống bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đặc biệt, những thay đổi trong kinh tế xã hội và dân số đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản và thực phẩm tại Pháp. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội xuất khẩu những sản phẩm này như hàng thủy sản, rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc.
Đối với mặt hàng thủy sản và thực phẩm, người tiêu dùng Pháp mong muốn những loại thực phẩm mang tính sáng tạo, đổi mới. Họ thích những món ăn truyền thống của các nước với chủ đề và mùi vị đặc trưng.
ITPC cũng dự báo nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đồ gia dụng tại Pháp sẽ tiếp tục tăng. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng may mặc, giày thể thao, gạo, cà phê, hồ tiêu và thủy sản bắt đầu được người tiêu dùng Pháp, trong đó có đông đảo người Việt Nam và các cộng động gốc châu Á tín nhiệm và ưa chuộng. Sức cạnh tranh của các nhóm sản phẩm này đang tăng lên trên thị trường Pháp và trong những năm tới có thể gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, một số loại thủy sản đang trong tầm ngắm của các cơ quan chuyên trách về phòng vệ thương mại, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật của Pháp và EU. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cẩn trọng về điều kiện thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu, tránh tổn thất.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh: “Thị trường Pháp rất khó tính và đặc biệt coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng khi đã thậm nhập được vào thị trường này thì việc đưa hàng hóa vào các thị trường khác sẽ rất dễ dàng”.
Ngoài hàng tiêu dùng thiết yếu bình dân, thị trường Pháp cũng có nhu cầu đáng kể hàng tiêu dùng cao cấp dành cho tầng lớp dân cư có thu nhập cao và khách du lịch. Nhóm khách hàng này có số lượng ít hơn người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình nhưng sức mua rất lớn, nên có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao.
Đáng chú ý, người Pháp ngày càng hướng tới các sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch - hữu cơ do người tiêu dùng Pháp ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và sức khỏe. Bên cạnh đó các sản phẩm này có giá chỉ nhỉnh hơn các sản phẩm thông thường từ 3-5%. Do đó, các mặt hàng nông – thuỷ sản có chứng nhận hữu cơ sẽ có cơ hội gia tăng thị phần nhờ xu hướng tiêu dùng cũng như các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại Pháp nhằm khuyến khích các mặt hàng này.
 

Nguồn: haiquanonline