Quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tại Diễn đàn "Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU" ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh.
EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nhìn nhận dư địa giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU còn nhiều, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU lại chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của thị trường này. Tỷ trọng này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.
Các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Hiện, Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều..., Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam cũng có nhu cầu lớn với các sản phẩm chất lượng cao từ EU như: thịt, hoa quả, đồ uống, sữa tươi…
“Hiệp định EVFTA đã trao cơ hội cho cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần cùng nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác”, ông Phạm Tấn Công nói.
Cũng cho rằng hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản, theo ông Phùng Đức Tiến, thời gian tới hai bên cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như: gạo, rau quả, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…
Đồng thời, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông, lâm, thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ kết nối hợp tác để xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ở góc độ đầu tư, ông Phạm Tấn Công đề nghị các nhà đầu tư EU quan tâm đến khu vực kinh tế phát triển năng động gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, gắn với trục đường cao tốc phía Đông của Việt Nam, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu với Trung Quốc, dài gần 300 km.
Khu vực này toàn toàn phù hợp để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao để chuyển tới châu Âu cũng như xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và trên thế giới.
“Bên cạnh đó, rất mong phía EU sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả”, ông Phạm Tấn Công nói.
Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ USD năm 2020; sang năm 2021 con số này đạt 5,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD.