Năm 2016 có thể xem là năm bùng nổ tiêu thụ ôtô cả ở phân khúc xe sản xuất trong nước và nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 12/2016 lượng xe nhập khẩu về Việt Nam ước đạt khoảng 16.000 chiếc với giá trị kim ngạch khoảng 227 triệu USD. Tính chung năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô đạt 115.000 chiếc, tương ứng 2,322 tỷ USD. Trong đó, lượng ôtô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm đến 2/3 tổng lượng ôtô nhập khẩu năm qua.

Năm 2017 được dự báo sẽ có nhiều biến động mạnh trong hoạt động nhập khẩu ôtô bởi thuế nhập khẩu xe trong các nước thuộc khối ASEAN đã giảm từ 40% xuống còn 30%. Hai tuần đầu tiên của tháng 1/2017, lượng xe nhập đã tăng đột biến, đạt gần 5.000 xe nhưng tính chung cả tháng 1, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc chưa bằng 1/2 tháng 12/2016 với 7.000 xe, tương ứng 165 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, việc sụt giảm nhập khẩu xe của tháng đầu năm cũng là dễ hiểu bởi trước đó, các doanh nghiệp đã tập trung nhập xe phục vụ nhu cầu vào dịp Tết Nguyên đán. Dự báo, thị trường ôtô trong nước nói chung và xe nhập khẩu nói riêng sẽ có nhiều bứt phá so với năm trước.

Thực tế, phần lớn xe nhập khẩu về Việt Nam trong tháng đầu năm là các dòng xe dưới 9 chỗ như Mitsubishi, Toyota Fortuner, Yaris, Honda Civic, Accord... Tính toán của các doanh nghiệp cũng cho thấy, với mức thuế giảm hiện nay thì chi phí cho mỗi chiếc xe về Việt Nam sẽ giảm từ 500-1.000 USD, tùy loại. Mới nhất, ngày 6/2, Toyota Việt Nam đã công bố giảm giá nhiều mẫu xe nhập khẩu như Yaris, Land Cruiser, Prado và Lexus với mức giảm từ 44 triệu đồng đến 210 triệu đồng.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ôtô trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) nhận định: Giá ôtô năm 2017 có thể giảm nhẹ so với năm 2016 nhưng khó giảm sâu bởi đây là năm “đệm” để thị trường thăm dò trước khi bước vào năm 2018 - thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0%. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe từ 1.5L và 2.0L trở xuống giảm thêm 5% sẽ khiến xe trong phân khúc này sẽ giảm mạnh. Ước tính, giá ôtô dung tích xi lanh dưới 2.0L nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ 25-40%, tùy loại.

Theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào 2018, xe nhập Thái Lan sẽ rẻ hơn so với sản xuất tại Việt Nam vì xe lắp ráp chịu thuế nhập linh kiện 10-30%. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô đang tính chuyển phần lớn hoạt động sang nhập khẩu.

 

Thực tế này cho thấy, thời của xe nhập khẩu đang đến rất gần, các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước sẽ phải có những chiến lược kinh doanh cụ thể để trụ vững. Trong đó, lắp ráp vài mẫu xe chủ chốt, còn lại nhập khẩu là bài toán được nhiều hãng đặt ra. Bên cạnh đó, đại diện một thương hiệu sản xuất ôtô đến từ Nhật Bản cho hay, nếu không có những biến động khác về chính sách thuế, phí, theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào 2018, xe nhập Thái Lan sẽ rẻ hơn so với sản xuất tại Việt Nam vì xe lắp ráp chịu thuế nhập linh kiện 10-30%. Do đó, trong 2-3 năm tới, có thể doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung sản xuất vài mẫu xe chủ chốt và để ngỏ khả năng đẩy mạnh nhập khẩu.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) - cho rằng, thị trường ôtô thời gian tới, nhất là khi bước sang năm 2018 sẽ có sự cạnh tranh đầy khó khăn. “Năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% nhưng nhập khẩu linh kiện lại chịu thuế từ 10 - 30% sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, sẽ không ai muốn lắp ráp xe ở Việt Nam” - ông Dương lo lắng. Vì vậy, nếu có những chính sách phù hợp làm động lực thì sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh như việc có thể tính đến giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô, bởi khi đó sẽ thúc đẩy sản xuất, giúp hình thành một quy mô sản xuất đủ lớn để tạo lực đẩy cho tăng sản lượng và hiệu quả cộng hưởng cho mở rộng thị trường.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử