* Mất hàng tỷ USD!
Phóng viên trao đổi với ông Chris McNabb, GĐ Phát triển Kinh doanh của Cty Assurance Global và luật sư Đinh Ánh Tuyết, chuyên gia Luật thương mại quốc tế của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
|
Luật sư Đinh Ánh Tuyết |
Tranh chấp nhiều, phức tạp
Ông Chris McNabb: Từ năm 2013 đến nay, ước tính các công ty nhập khẩu nước ngoài không thanh toán hoặc thanh toán chậm cho các Cty xuất khẩu của Việt Nam 6 tỷ USD, con số này đã và đang tăng lên do sự suy thoái kinh tế tại các nước phương Tây. Việc thu hồi các khoản thanh toán chậm là một khó khăn của các Cty xuất khẩu Việt Nam.
Trong 6 tỷ USD, bao nhiêu chậm thanh toán và bao nhiêu không thu hồi được, thưa ông?
Khoảng 5% không bao giờ thu hồi được. Còn những khoản nợ kéo dài thì nhiều khoản thu hồi được với tỷ lệ không cao và còn phải chi phí lớn.
Được biết, Cty Assurance Global chuyên thu hồi nợ thương mại và các khoản thu trễ hạn từ nước ngoài về cho nhà sản xuất tại Việt Nam. Gần đây, các ông đã thu được khoản nợ tại Mexico cho một doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, xin cho biết số tiền và chi phí?
Đây là vụ thu hồi nợ thành công không ngờ, bởi Mexico có hệ thống pháp lý phức tạp và khoản nợ trễ hạn gần 3 năm. Thông thường, những khoản nợ thương mại quốc tế mà kéo dài như thế là không thu hồi được. Khoản nợ này 180.000 USD, kết quả thu được 65%, chi phí chiếm 40% số tiền thu được. Chí phí vụ này cao vì quá trình đòi nợ rất khó khăn, còn những vụ khác chi phí thấp hơn và với những vụ không thu hồi được nợ thì doanh nghiệp không tốn chi phí.
Cụ thể vụ này khó khăn như thế nào?
Bên bán thủy sản Việt Nam và bên mua Mexico đã phát triển mối quan hệ kinh doanh trong nhiều năm, dần dần những điều khoản thanh toán được nới lỏng. Lợi dụng vào đó, bên Mexico nợ tiền và phía Việt Nam đòi cách nào cũng không trả. Trễ hạn hơn một năm rưỡi thì Cty Việt Nam giao cho Assurance Global nhiệm vụ đòi nợ.
Assurance Global chuyển thông tin đến đối tác luật tại Mexico xác định khách nợ vẫn đang hoạt động kinh doanh và có tài sản để trả nợ. Luật sư tại Mexico thương lượng không có kết quả, liền bắt đầu quá trình khởi kiện ra tòa thì khách nợ mới đồng ý trả 65% và Cty Việt Nam cũng đồng ý vì lúc đó đã nghĩ không thu hồi được. Như thế, chúng tôi đã phải thương lượng hơn 6 tháng mới đạt được thỏa thuận thanh toán.
Luật sư Đinh Ánh Tuyết: Còn VIAC giải quyết tranh chấp bằng các phương thức ngoài tòa án, bình quân mỗi năm giải quyết 150 vụ. Trong đó, tỷ lệ lớn nhất là mua bán hàng hóa chiếm đến 34% tổng số vụ, tiếp theo là xây dựng, tài chính ngân hàng…
Tranh chấp thương mại thủy sản ở mức độ nào? Thời gian giải quyết một vụ nhanh nhất mất bao nhiêu ngày?
Tranh chấp thương mại thủy sản khá nhiều, chiếm khoảng 30% số vụ mua bán hàng hóa. Còn thời gian ngắn nhất giải quyết xong một vụ, tính trong năm 2015 - 2016 là 28 ngày.
Phòng tránh và khắc phục
Ông Chris McNabb: Nợ nần và thiệt hại xảy ra khi có kẽ hở trong quản lý. Đó là, thiếu quy trình thẩm định, không có quy trình cụ thể xác định các trường hợp trễ hạn nghiêm trọng, xác định thời điểm cần bắt đầu tiến hành các giải pháp thu hồi nợ.
Thưa ông, nên bắt đầu tiến hành các giải pháp thu hồi nợ vào lúc nào, và tình trạng chung nhất của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua?
Nên bắt đầu sau vài tháng trễ hạn thanh toán theo hợp đồng, nếu để lâu hơn thì việc thu hồi nợ khó khăn, tỷ lệ thu hồi thấp và chi phí tốn kém. Doanh nghiệp Việt Nam thường để trễ hạn quá dài. Như Cty thủy sản trong vụ đòi nợ ở Mexico vừa nêu, sau hơn một năm rưỡi thường xuyên liên lạc với bên mua qua email và điện thoại, không đòi được nợ mới giao nhiệm vụ cho chúng tôi.
Quy trình đòi nợ quốc tế của Assurance Global như thế nào, khả năng đến đâu?
Quá trình thu hồi nợ của chúng tôi có ba giai đoạn. Trước tiên là xem xét các chứng từ, liên lạc với luật sư tại nước của khách nợ, xác định tính khả thi. Nếu khả thi thì luật sư liên hệ khách nợ và đàm phán, có thể phải tiến hành tố tụng, nhằm đạt phán quyết hoặc thỏa thuận có lợi. Cuối cùng là thực thi, giám sát việc thanh toán. Mục tiêu thu hồi nợ nhưng chúng tôi không quên tính xây dựng là duy trì mối quan hệ giữa khách bị nợ và khách nợ.
Hiện nay, Cty Assurance Global có trụ sở tại Hoa Kỳ, có mặt ở Việt Nam, với hệ thống 1.200 văn phòng luật ở nhiều nước nên có khả năng thu nợ toàn cầu.
Luật sư Đinh Ánh Tuyết: Năm 2017 dự báo nhiều rủi ro và thách thức mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dễ thấy như cá tra vào Mỹ vẫn bị áp thuế bán chống phá giá và còn bị kiểm soát theo quy trình của Đạo luật Farm Bill từ tháng 9/2017. Nhiều thị trường khác có hiệp định thương mại tự do thì lại tăng tiêu chuẩn chất lượng.
Các doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế rủi ro?
Chiến lược cho doanh nghiệp là chủ động ngăn ngừa rủi ro và vận dụng hiệu quả các cơ chế pháp lý trong thương mại quốc tế. Chủ động với các rủi ro pháp lý là cần tìm hiểu các rủi ro pháp lý và cập nhật thường xuyên sự thay đổi về chính sách và pháp luật. Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm soát chất lượng, hệ thống hợp đồng và lưu trữ hồ sơ. Khi xảy ra tranh chấp, cần sáng suốt lựa chọn pháp luật, cơ quan trọng tài, tòa án để bảo vệ lợi ích.
Nếu tìm đến VIAC, doanh nghiệp có thuận lợi gì, thưa bà?
Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC theo chuẩn quốc tế: đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tôn trọng thỏa thuận của các bên nên dễ được đối tác nước ngoài chấp nhận. Địa điểm giải quyết trọng tài linh hoạt: bất kỳ tỉnh, thành phố nào trong nước hoặc nước ngoài. Phán quyết trọng tài có thể thi hành tại Việt Nam và nước ngoài theo Công ước New York 1958 có 250 nước là thành viên. Thời gian giải quyết một vụ 3 - 9 tháng, phán quyết trọng tài là chung thẩm, không bị xét xử lại và được bảo mật hoàn toàn từ tố tụng đến phán quyết.
Nguồn: nongnghiep.vn