Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đánh giá có vai trò quan trọng trong cải thiện an ninh nguồn cung năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng carbon thấp trong tương lai ở Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn với giá cả phải chăng, linh hoạt và đáng tin cậy nhằm góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó, hỗ trợ các dự án nhà máy điện khí LNG và kho cảng LNG tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Điển hình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thăm dò Dầu khí Nhật Bản (JAPEX) vừa ký kết hợp đồng mua cổ phần và thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần ITECO, sau 18 tháng thương thảo kể từ tháng 7/2020.
Đây là thời điểm phù hợp để công bố thông tin, vì JAPEX tin tưởng sự hợp tác với ITECO là lựa chọn phù hợp cho chiến lược và tầm nhìn dài hạn của JAPEX tại thị trường Việt Nam, mà khởi đầu là năm 2022 với dự án ở Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, thành phố Hải Phòng, Việt Nam.
Về nội dung thỏa thuận hợp tác giữa hai bên tập trung vào những hạng mục, gồm: thiết kế và thi công dự án; vận hành và bảo trì; mua sắm LNG; tài chính; bán hàng và tiếp thị khâu hạ nguồn; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương trong lĩnh vực LNG...
Hiện tại, nguồn cung khí tự nhiên tại khu vực phía Bắc, Việt Nam đang có xu hướng giảm và dự báo thị trường có thể thiếu nguồn cung trong tương lai, nên sự hợp tác giữa JAPEX và ITECO được kỳ vọng sẽ tăng nguồn cung khí tự nhiên cho thị trường khu vực này.
Ngoài ra, mô hình kinh doanh chung trong sự hợp tác giữa JAPEX và ITECO là nhập khẩu LNG, lưu trữ, phân phối và cung cấp LNG bằng cả đường ống và xe bồn.
Dự án sẽ bắt đầu hoạt động vào quý 4/2024, gồm bể chứa LNG 50.000m3; 10 trạm nạp xe bồn LNG; hệ thống thiết bị tái hóa khí có công suất nạp 70m3 LNG/h; cầu cảng (tiếp nhận tàu LNG có kích cỡ lên đến 45.000m3)...
Đánh giá thêm về thị trường LNG tại Việt Nam, ông Matthew Tan, Phó Chủ tịch JAPEX cho rằng, cũng như những thị trường khác luôn có cạnh tranh, nhưng tùy theo đối tượng khách hàng mà mỗi doanh nghiệp có thể đáp ứng những phân khúc thị trường khác nhau.
Thi truong khi thien nhien hoa long hap dan nha dau tu Nhat Ban hinh anh 2
Các thành viên đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thăm dò Dầu khí Nhật Bản (JAPEX) phụ trách dự án kho LNG miền Bắc. (Ảnh:
Điển hình, đối với những khách hàng ở lĩnh vực công nghiệp muốn sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo... thì LNG là một trong những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
"Cũng vì vậy, JAPEX mong muốn thúc đẩy việc đa dạng giải pháp cung cấp năng lượng sạch, nhất là LNG tại thị trường Việt Nam. Theo đó, LNG là bước đầu tiên của JAPEX trong nỗ lực này, còn về lâu dài JAPEX và ITECO sẽ hướng tới việc giới thiệu đa dạng giải pháp nhiên liệu sạch và tìm kiếm cơ hội trong các dự án mới tại thị trường Việt Nam rộng lớn hơn," ông Matthew Tan chia sẻ thêm.
JAPEX cũng nhận thấy thị trường LNG tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, với những xu hướng sản xuất khác nhau. Qua đó, tạo ra nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch nên hiện tại trọng tâm của JAPEX sẽ là phát triển dự án kho cảng LNG.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp khác đến từ Nhật Bản đang hoạt động tại thị trường Việt Nam cũng cho biết, khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam nói chung và thị trường LNG nói riêng, nên cân nhắc trong việc lựa chọn đối tác chiến lược phù hợp. Bởi, đây là cơ sở nền tảng để hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai những thỏa thuận hợp tác.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản có thể mang đến những kinh nghiệm trong dự án quốc tế, còn doanh nghiệp tại Việt Nam chia sẻ thông tin thị trường nội địa để tiến đến sự hợp tác chiến lược lâu dài.
Cụ thể, đại dịch COVID-19 bùng phát, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp không có điều kiện làm việc trực tiếp như thời điểm bình thường nhưng thay vào đó là khai thác kênh online để thương thảo, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh xuyên biên giới.
Hiện nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, trong đó có lĩnh vực LNG. Cùng với đó, những chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng tạo thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường Việt Nam ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn tính trong 11 tháng năm 2021, dòng vốn đầu tư nước ngoài từ nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là vốn đầu tư mới.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào khoảng 19 ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam; trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy...
Hiện tại, 57 tỉnh, thành trên cả nước đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản. Đặc biệt, dòng vốn FDI của Nhật Bản tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như: Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn phát triển lâu dài ở đây và đánh giá triển vọng tăng trưởng về thị trường Việt Nam rất khả quan.
Cụ thể, có 56,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá triển vọng lợi nhuận kinh doanh sẽ được “cải thiện” khi bước sang năm 2022 và 55,3% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Jetro tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cơ sở để doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam lạc quan trong dự báo lợi nhuận kinh doanh năm 2022 là việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu, quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa hấp dẫn.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng làm thay đổi cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, tín hiệu mừng là Việt Nam đang chuyển sang sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn, đây là lúc phải xem lại chuỗi cung ứng.
Dự báo dòng vốn Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ được bổ sung từ các nhà đầu tư hiện hữu đang có mặt ở Việt Nam; đồng thời, dòng vốn mới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa đi lại giữa hai quốc gia, trong đó kết nối lại các đường bay quốc tế./.