Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh như vậy tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức
Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau đại dịch
Năm 2021 là năm kinh tế - xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với những đợt giãn cách xã hội và gián đoạn sản xuất, lưu thông kéo dài. Bối cảnh đó đặt ngành dịch vụ logistics vào thế vừa bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, vừa phải thể hiện sức chống chịu bền bỉ để duy trì hoạt động của các chuỗi cung ứng trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thị trường logistics Việt Nam đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ sau đại dịch
Đồng thời, những xu hướng, mô hình, giao thức mới trong sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa trên toàn cầu cũng tạo động lực và sức ép đổi mới cả về công nghệ, tư duy, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý, nếu không muốn bị tụt hậu trong môi trường hội nhập sâu rộng hiện nay.
Tại Hội thảo chuyên đề 1: “Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau đại dịch” trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm chậm sự phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt, đại dịch trong 2 năm vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến ngành dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, “nhìn nhận theo hướng tích cực, ngành logistics trong thời gian vừa qua vẫn rất kiên cường đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ngành logistics đóng vai trò kép, vừa tạo nên những giá trị riêng của ngành kinh tế, vừa hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến rất khó lường” - ông Phan Đức Hiếu khẳng định.
Từ góc độ thực tiễn, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - cho biết, khó khăn lớn nhất các DN logistics đang gặp phải đó là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục (business continuity) và sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới. Vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch như 5K hay thực hiện 3 tại chỗ…
"Bên cạnh đó, DN xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng; vấn đề tỷ giá áp tùy tiện… rất nặng nề và phiền toái" - ông Lê Quang Trung nói.
Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có khoảng 15% DN bị giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container, với mức tăng từ 2-10 lần (tùy theo chặng). Cùng với những bất cập về giá cước, phụ phí hãng tàu nước ngoài đang thu cũng trở thành gánh nặng đối với chủ hàng Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề 1: “Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau đại dịch”
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề 1: “Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau đại dịch”
Chia sẻ câu chuyện về ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - cho hay, giống với các ngành nghề khác như da giày, nhựa, đồ gỗ... nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào từ việc nhập khẩu nước ngoài. Tỷ trọng này là khá lớn, cho thấy sự bị động cũng như phụ thuộc không nhỏ vào nguồn cung từ các nước trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những “rủi ro” lớn tiềm tàng của ngành khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Các nguyên phụ liệu nhập khẩu chính gồm: bông, xơ sợi, vải, phụ liệu… Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA... yêu cầu quy tắc xuất xứ cho sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước trong khối FTA thì mới được hưởng ưu đãi thuế. Nhưng thực tế, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu một lượng không nhỏ nguyên phụ liệu từ các nguồn ngoài FTA.
Trước thực tế này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 kiến nghị Chính phủ cần hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may để tạo chuỗi giá trị khép kín và đồng bộ, đảm bảo nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, cần định vị lại để thế giới biết đến dệt may Việt Nam không chỉ là ngành có lao động giá rẻ, sản xuất hàng loạt, mà bao gồm những doanh nghiệp có giá trị gia tăng, có trách nhiệm xã hội…
Mặt khác, định hình các hướng đi mới, mang tính bứt phá hơn cho ngành logistics Việt Nam, góp phần giải tỏa áp lực trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Xây dựng doanh nghiệp mạnh về logistics
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số DN vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ số DN lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số DN cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các DN trong ngành vẫn còn hạn chế.
Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 DN vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số DN tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số DN giải thể của cả nước.
Đáng chú ý, hiện có hơn 4.000 DN logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các DN ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các DN logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Một số DN logistics cũng đã tham gia chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) và nâng cao chất lượng cải thiện mối quan hệ với khách hàng quốc tế.
Tuy nhiên, các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. Chưa kể, DN dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.
Thảo luận tại Hội thảo chuyên đề 2: “Xây dựng DN mạnh về logistics” nằm trong khuôn khổ diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, xây dựng DN mạnh về logistics là một nhiệm vụ đã được đặt ra trong Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg. “Từ góc độ thực tế, chúng ta thấy rằng bất kỳ ngành nào cũng cần DN lớn, DN mạnh, DN đầu đàn, dù đó là ngành viễn thông, công nghiệp điện tử, ngành dệt may, da giày và ngành logistics cũng như vậy” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, ông Đàm Đình Vĩnh, Chủ tịch OPL Logistics chia sẻ, mặc dù là một DN còn non trẻ và mới nhưng chúng tôi đã đặt mục tiêu trở thành một DN lớn, mạnh trong ngành logistics, không chỉ của Việt Nam, mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Theo ông Đàm Đình Vĩnh, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021 vẫn tăng trưởng và đạt khoảng 600 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng, mốc 1.000 tỷ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chắc không xa nữa và đây sẽ là cơ hội lớn cho rất nhiều ngành nghề, đặc biệt cho các DN đang hoạt động trong ngành logistics.
“Để nắm bắt cơ hội cũng như thực hiện mục tiêu của mình, OPL đang xây dựng những chiến lược cụ thể về kinh doanh, nhân sự, phát triển thị trường, đầu tư, tài chính, công nghệ thông tin…” - ông Đàm Đình Vĩnh nêu, đồng thời cho hay, OPL đang triển khai mở chi nhánh ở các nước là thị trường mục tiêu của OPL như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ… Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung nâng cao năng lực, chất lượng đội hình nhân sự, nhất là đội ngũ lãnh đạo, các cấp quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế - đây là ưu tiên số một của OPL.
Nhận định xu hướng số hóa và thương mại điện tử là xu hướng bắt buộc hiện nay, bà Bùi Thị Lê Hằng, Phó Tổng Giám đốc ALS nhận định, theo thống kê, 80% DN logistics hiện nay là DN nhỏ và chỉ có 20% là DN logistics lớn. Có hai yếu tố tác động chính đến việc số hóa của DN, trước hết là xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Khách hàng hiện nay đã đẩy mạnh số hóa để tiến đến gần hơn với người tiêu dùng, theo đó chuỗi cung ứng cần nhanh hơn, linh hoạt hơn. Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của nhà chức trách. Chính phủ Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số. “Chính vì vậy, nếu không số hóa, có khả năng chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau. Do đó, DN phải có những bước đi chiến lược cho việc số hóa của mình” - bà Bùi Thị Lê Hằng nói.
Theo các chuyên gia, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới...
Phát triển nhân lực logistics - vấn đề then chốt
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Thị trường logistics Việt Nam đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ sau đại dịch
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao đổi với chuyên gia nước ngoài bên lề hội thảo
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng DN, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
"Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh" - Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và DN dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
“Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Thị trường logistics Việt Nam đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ sau đại dịch
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 là diễn đàn được tổ chức lần thứ 9 có tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Qua 8 lần tổ chức, diễn đàn đã trở thành một thương hiệu uy tín và quen thuộc đối với cộng đồng DN dịch vụ logistics Việt Nam, là địa chỉ tập hợp các cơ quan quản lý nhà nước, DN dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu để cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những giải pháp để hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này.
Tiếp nối Diễn đàn Logistics 2020, diễn đàn lần này được tổ chức trong bối cảnh các cấp, các ngành trong cả nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt, đại dịch Covid-19 được dự báo có thể còn diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến mọi mặt đời sống xã hội.
Bộ Công Thương đã và đang cùng các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.