Ngày một ngặt nghèo
Trong khoảng vài tháng trở lại đây, nói tới XK nông sản sang Trung Quốc, Việt Nam đón nhận nhiều thông tin không mấy khả quan.
Điển hình như mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc trong xuất khẩu thạch đen. Văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, từ ngày 1/5/2018, phía Trung Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây NK. Các DN phía Trung Quốc xin NK nông sản, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói. Ngoài việc chưa đăng ký mã hàng để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, mặt hàng cây thạch đen của Việt Nam hiện chưa được nhận thông tin yêu cầu về chuẩn mực kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Ngay cuối tháng 1 vừa qua, theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây đã chính thức yêu cầu các DN NK trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm từ tháng 5/2019. Trước đây, Việt Nam chủ yếu sử dụng rơm rong. Về quy định truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương cũng thông tin, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây NK nói chung thông qua các quy định yêu cầu DN NK của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây NK. Thực tế, đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Hiện nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.
Nói về khó khăn khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới mặt hàng gạo. Ngay từ ngày 1/7/2018, thuế NK với tất cả loại gạo NK từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đã ở mức 40% - 50% (riêng tấm có thuế NK là 5%). Đáng chú ý, vào khoảng từ giữa năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với việc NK gạo từ Việt Nam và các nước ASEAN. Cụ thể như, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định thời gian xông trùng đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm…
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành-Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá: Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam, song đây cũng được xem là “con dao hai lưỡi”. Tình trạng thương lái Trung Quốc NK hàng hoá qua biên mậu dễ tính trong chất lượng sản phẩm sẽ không tạo nhiều động lực để DN Việt Nam thay đổi, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính khác hoặc tầng lớp cao cấp ở Trung Quốc.
Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch
Nói về điểm yếu, thách thức của nông sản Việt khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng như Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) đưa ra đánh giá: Các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam còn chưa hiểu rõ về thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Mặc dù thường xuyên giao thương với thị trường Trung Quốc nhưng DN Việt Nam nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường còn hạn chế. Đặc biệt khi Trung Quốc hiện đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Hai đơn vị này đưa ra khuyến cáo, DN khi xuất hàng sang Trung Quốc cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, trước khi xuất khẩu, DN cần phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng loại hàng cụ thể; nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc.
TS. Võ Trí Thành phân tích thêm: DN Việt Nam còn khá yếu trong tận dụng các kênh phân phối hàng của Trung Quốc. “Chúng ta chưa kết nối tốt với các công ty, tập đoàn phân phối lớn của Trung Quốc nên hàng Việt Nam tại các siêu thị nước này rất ít. Ví dụ điển hình như tại Bắc Kinh, tại các kệ hàng siêu thị, gạo Thái Lan chiếm vị trí áp đảo so với gạo Việt Nam. Vai trò của các DN đầu tàu trong việc dẫn dắt xuất khẩu nông sản rất quan trọng. Để giải quyết bài toán căn cơ liên quan đến thị trường Trung Quốc, các DN lớn không chỉ tập trung xây dựng kênh phân phối trong nước mà còn phải đứng ra liên kết với các DN khác để làm cầu nối đưa nông sản Việt ra nước ngoài”, TS. Võ Trí Thành nói.
Liên quan tới vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản-quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: Trong năm 2018, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết nhiều vướng mắc liên quan đến biên giới, sản xuất và tiêu chuẩn về XNK nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Khi nào còn làm ăn qua đường tiểu ngạch, khi đó ách tắc hàng hóa ở biên giới vẫn còn xảy ra. Việt Nam phải nhìn về dài hạn, làm ăn chính ngạch thì mới bền vững”, ông Toản nhấn mạnh.
Một số chuyên gia nêu quan điểm, với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay, DN Việt Nam có thể hợp tác với các DN thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới. Về mặt quản lý vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường Trung Quốc; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp...
Nguồn: Thanh Nguyễn/Báo Hải quan