Tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.

Theo ông An, sau khi kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương không áp dụng biện pháp mới mà thực hiện quản lý theo pháp luật về Luật giá, Luật Quản lý thương mại. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về kê khai giá; được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi có thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu, biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh...
Phát biểu tại hội nghị, ông Arnaud Renard - Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho biết: Theo đánh giá của Eurocham, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa. Vì thế cần có sự thay đổi trong quản lý để tạo cơ hội cho thị trường sữa phát triển, người tiêu dùng và nhất là trẻ em được hưởng lợi.
Vì vậy, ông Arnaud Renard cho rằng, nhà nước nên sử dụng biện pháp hậu kiểm và chỉ can thiệp khi thị trường có những biến động. Dự thảo đã đưa ra cách tiếp cận mới dựa trên chuỗi cung ứng – phân phối để quản lý giá sản phẩm nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên việc kê khai cần đơn giản hóa thủ tục, gửi kê khai giá qua online, đề nghị hướng dẫn kê khai giá trong bối cảnh hiện tại khi chưa có thông tư mới và hướng dẫn cụ thể ngay cả khi thông tư mới ban hành...
Đại diện Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk cho hay, việc áp giá trần giá sữa bị gỡ bỏ phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên việc tính mức biển đổi giá “liên tiếp” trên 5% cần được xác định trong một khoảng thời gian nào (sáu tháng, một năm hay hai năm). Một năm là thời gian dài và có nhiều biến động về giá thành, nên sẽ biến động trên 5%, mà yêu cầu kê khai giá thì có lẽ DN nào cũng phải kê khai giá. Đại diện Công ty sữa 3A kiến nghị, DN bán lẻ thương nhân đã kê khai giá bán lẻ mặt hàng sữa ở trung ương thì không kê khai giá tại địa phương để tránh tình trạng quản lý chồng chéo.

Dưới góc độ quản lý ở địa phương, ông Hồ Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - nêu ý kiến, về thẩm quyền quản lý giá sữa đã xác định trách nhiệm giá sữa cho Sở Công Thương những các huyện cũng cần làm rõ vì các hộ cá thể kinh doanh thuộc trách nhiệm do huyện quản lý. Cần có sự phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý DN đăng ký kinh doanh chuyên ngành trên địa bàn để theo dõi sát việc quản lý giá sữa.
Theo Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay một số DN gửi hồ sơ kê khai giá và Sở vẫn tiếp nhận nhưng chờ ý kiến. Trong thời gian chờ thực hiện thông tư mới có thể thực hiện theo quy trình Sở Tài chính hướng dẫn.
Ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc An cũng đã trả lời cụ thể về các ý kiến đóng góp cho dự thảo của DN. Theo ông An, hệ thống quản lý văn bản hiện nay của Bộ Công Thương đi bằng 2 nguồn là online và gửi văn bản chính thức để làm hồ sơ lưu trữ. Vì thế DN gửi thông báo giá qua email và gửi văn bản về cho Bộ lưu giữ. Quy định trong vòng 3 ngày cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý. Khi kê khai giá DN có thay đổi về giá, tăng giá thì mới kê khai, còn giảm giá thì DN có thông báo và được đồng ý ngay. Về giá bán lẻ sẽ thực hiện hậu kiểm để DN tự giác thực hiện. Thống nhất chung là Nhà nước quản lý nhưng đảm bảo cạnh tranh, quyền lợi cho người tiêu dùng và chống độc quyền.
Việc kiểm soát giá sữa là của Nhà nước và thực hiện theo hệ thống từ trung ương tới địa phương. Với tập đoàn lớn, theo Dự thảo thông tư này thì Bộ Công Thương sẽ quản lý kê khai giá; với DN nhỏ địa phương giao Sở Công Thương các địa phương quản lý. Nhưng ở địa phương có khi chỉ là hộ kinh doanh, cửa hàng chứ không phải lúc nào cũng là DN nên trách nhiệm chính của các Sở Công Thương là đảm bảo giá, tránh tình trạng sản phẩm bị đẩy giá lên làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Nguồn: Minh Long - Thanh Thanh/Báo công thương điện tử