Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, các đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp. Tại Diễn dàn, các đại biểu đã trao đổi với nhau về các định hướng phát triển hợp tác nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng phát triển, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu....
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích tăng cường kết nối Việt Nam và EU cũng như triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi thế từ các Hiệp định tự do thương mại.
EU hiện là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và cũng là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam đặc biệt là hàng thủy sản và cà phê. Đồng thời cũng ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp của EU được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện tại, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên sẽ bước vào thời kỳ mới, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã được hoàn tất và đang chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn trong tương lai không xa.
Hiệp định thương mại tự do này cũng tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng nông sản của hai bên. Tuy nhiên, việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tư vấn quý giá của giới học giả, khoa học...
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và một số địa phương phía Bắc đã có cơ hội gặp và kết nối trực tiếp với đại diện thương mại đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu và đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam để trao đổi cụ thể hơn về thị trường và các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Các chuyên gia đến từ Anh, Pháp, Ý, Hà Lan đã chia sẻ các xu hướng thị trường nông sản sắp tới tại các thị trường nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển nông nghiệp thông minh - một trong những chiến lược của EU. Các chuyên gia của châu Âu nhận định nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…. Nhân dịp này, Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng chia sẻ triển vọng to lớn của việc thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai bên thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến được xem xét và thông qua trong thời gian sắp tới.
Diễn đàn được các bên đánh giá là thành công tốt đẹp, tạo tiền để tốt để phát triển thêm một kênh tư vấn chính sách, trao đổi kinh nghiệm , thông tin thị trường giữa Việt Nam và EU trong tương lai.
Việt Nam và EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trong 45 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển.
Đến nay, quan hệ thương mại song phương đã đạt mức trên 50 tỷ USD vào năm 2017 và duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 12%, trong đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đạt trên 5 tỷ USD tăng gần 12%.10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD nông sản vào EU, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Đến hết 10 tháng năm 2018, có 27 nước và vùng lãnh thổ EU đầu tư tại Việt Nam với 2948 dự án với tổng vốn đầu tư 44,27 tỷ USD.
Nguồn: Moit.gov.vn