Theo thông cáo của Bộ Thương mại và Phát triển xuất khẩu nước này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối có thể sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ của AfCFTA đối với các hoạt động ngoại thương trong khuôn khổ hiệp định này.
Giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng Thương mại và Công nghiệp cấp cho phép các tác nhân kinh tế có thể hưởng những ưu đãi liên quan đến thuế quan và những loại thuế tương đương.
Tunisia là một trong 8 nước (cùng với Ai Cập, Ghana, Cameroon, Rwanda, Kenya, Tanzania và đảo Mauritius) đã bắt đầu triển khai AfCFTA trong khuôn khổ «Sáng kiến thương mại có hướng dẫn». Sáng kiến này đã được Ban thư ký AfCFTA đưa ra ngày 7/10/2022 nhằm tạo điều kiện thực hiện những trao đổi thương mại tự do của 96 mặt hàng trong đó có chè, cà phê, các sản phẩm làm từ thịt bò chế biến, đường, trái cây khô, thuốc, cao su, đồ dùng làm bếp bằng nhôm, thép và sản phẩm bằng gỗ. Là động lực cho các doanh nghiệp châu Phi, sáng kiến giúp chuẩn bị cho việc thực hiện về mặt pháp lý và thể chế hiệp định để triển khai ở quy mô lớn hơn với khối lượng hàng hóa giao dịch dự kiến tăng gấp 3 lần vào năm 2023 khi số lượng nước các nước thành viên tham gia sáng kiến ngày càng tăng.
Nhiều biện pháp hỗ trợ xuất khẩu được đưa ra
Hôm 22/5/2023, bà Kalthoum Ben Rejeb, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển xuất khẩu Tunisia đã khai mạc Ngày thông tin giới thiệu việc hiện đại hóa dịch vụ SOS Export. Doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ này trên Cổng điện tử về ngoại thương, giúp xử lý những vấn đề mà các công ty xuất khẩu gặp phải. Đây là một trong 42 biện pháp mà chính phủ Tunisia đưa ra nhằm phục hồi kinh tế nước này. Bà Kalthoum Ben Rejeb cũng thông báo Tunisia sẽ thực hiện một chiến lược quốc gia về xuất khẩu bằng cách phối hợp với Ban thư ký của Khu vực tự do mậu dịch lục địa châu Phi (AfCFTA) và Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA). Cửa khẩu biên giới Ras Jedir thuộc tỉnh Mesdenine của Tunisia giáp với Libya sẽ được quy hoạch để tạo điều kiện xuất khẩu sang châu Phi. 

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia