* Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA
Trong đó, đứng đầu về nông sản xuất khẩu sang thị trường Đức là mặt hàng cà phê với 209,08 nghìn tấn, trị giá 377,15 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 18,2% về trị giá so với 11 tháng năm 2020. Tiếp theo là hạt điều với 19,4 nghìn tấn, trị giá 122,64 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 6,2% về trị giá. Những mặt hàng khác cũng ghi nhận kim ngạch tăng trưởng cao như: Cao su tăng 115,3%, hạt tiêu tăng 73,4%, gạo tăng 118,3%, rau quả tăng 7,6%. Riêng mặt hàng chè giảm 7%.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản khả quan của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất tại EU này đang cho thấy chất lượng hàng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của phía đối tác nhập khẩu. Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Đức dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á về xuất khẩu nông sản sang thị trường Đức Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Đức đã chi 24,43 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong 9 tháng năm 2021, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Đức phần lớn nhập khẩu nông sản từ các nước trong khối EU như Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy… Đồng thời cũng nhập khẩu khối lượng lớn nông sản từ Brazil và Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Việt Nam đứng vị trí thứ 11 trong nhóm các thị trường cung cấp nông sản hàng đầu của Đức, đạt 528 triệu USD, chiếm 2,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Đức. Với vị trí này, hiện Việt Nam đang là nguồn cung nông sản lớn nhất của Đức tại khu vực châu Á, kim ngạch nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Đức vượt xa các thị trường cung cấp khác như Trung Quốc, Ấn Độ…
Còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản vào Đức Hiệp định EVFTA sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm, và cũng xoá bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của EU, giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên.
Ngoài ra, Hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hóa của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.
Bên cạnh lợi thế về các ưu đãi thuế trong EVFTA, một điểm lợi thế nữa của thị trường Đức là nước này có cộng đồng người Việt Nam đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh tại đây, có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp tại Đức, là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức. Đối với mặt hàng cà phê, Đức hiện đang là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
Theo thông tin từ trang Mordor Intelligence, Đức là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất ở châu Âu với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 6,5 kg/người/năm. Nhu cầu của người tiêu dùng Đức đối với cà phê đặc sản đang tăng lên do nhận thức và kiến thức về sản phẩm ngày càng tăng. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Đức trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 3,09%/năm. Hiện thị trường Đức tiêu thụ nhiều nhất cà phê Arabica rang nhẹ và có chất lượng cao. Phân khúc cà phê Arabica là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất và được dự báo sẽ chứng kiến những cải thiện lớn trong giai đoạn sắp tới. Nếu xét theo loại sản phẩm, phân khúc cà phê xay chiếm thị phần lớn nhất do tiện lợi trong tiêu thụ và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Đức.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu cà phê của Đức trong 10 tháng năm 2021 đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 3,34 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ 2 sau Brazil với 174,9 nghìn tấn, trị giá 312,8 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu cà phê của Đức từ đầu năm đến nay cho thấy, nhập khẩu cà phê của Đức từ Việt Nam có xu hướng giảm trong nửa đầu năm nay nhưng đã bật tăng trở lại từ tháng 7 đến nay do nguồn cung cà phê của Brazil sụt giảm do thời tiết bất lợi.
Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ hồi phục trở lại trong năm 2022. Đối với mặt hàng hạt điều, Đức hiện là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất tại EU.
Theo Eurostat, nhập khẩu hạt điều của Đức chiếm khoảng 29% trong tổng lượng và kim ngạch toàn khối. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cấp hạt điều lớn nhất cho thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo. Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ khả quan trong năm 2022 nhờ lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của Đức tăng sẽ tác động tích cực lên ngành điều Việt Nam. Việt Nam là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Đức, sự phục hồi kinh tế của nước này kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, trong đó có hạt tiêu tăng lên.
Mỗi năm Đức đều nhập khẩu một khối lượng lớn hạt tiêu để phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, Đức luôn tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm ổn định cả về số lượng và chất lượng; tuân thủ thời gian giao hàng và tuân thủ các yêu cầu an toàn thực phẩm. Đức là nhà nhập khẩu và kinh doanh hạt tiêu lớn nhất ở châu Âu. Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu ở Đức luôn ổn định từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Đức, các doanh nghiệp trong nước cần hướng đến việc sản xuất nông sản sạch, đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ bởi EU đang ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông sản nhập khẩu.  

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương