Chính sách tỷ giá gây bất lợi khi hàng Việt xuất khẩu
Theo Tham tán thương vụ Việt Nam tại Canada, xu hướng nhập khẩu của Canada vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm 2022, đạt 9,4%, với tổng kim ngạch nhập khẩu 85,8 tỷ USD. Hầu hết các lĩnh vực mặt hàng nhập khẩu của Canada mà Việt Nam có thế mạnh vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022 như: quần áo, điện tử, điện máy, thiết bị quang học, nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, Canada có sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu trong một số lĩnh vực mặt hàng: nhựa (-8,7%), kim loại quý (-13,5%), nội thất (-0,3%), sắt thép (-16,7%) và hoá chất (-10,3%), hạt và quả hạch (-1,6%), nhôm (-3,1%). Việc Canada giảm nhu cầu nhập khẩu đã ngay lập tức tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực mặt hàng này (trừ nội thất).
Theo phân tích của bà Trần Thu Quỳnh, đại diện Tham tán thương vụ Việt Nam tại Canada, ở góc độ sở tại, yếu tố cản trở xuất khẩu lớn nhất đối với Việt Nam là năng lực vận tải và logistics nội địa và thiếu hụt lao động khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ.
Mặt khác, việc Canada duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu cũng là bất lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì giá của Việt Nam sẽ trở nên đắt hơn năm 2022 nếu tính bằng đồng nội tệ.
Đáng chú ý, một số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang địa bàn cũng có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá như: tấm pin năng lượng mặt trời (hiện Việt Nam chiếm gần 1/3 thị phần của Canada); thép chống ăn mòn, phụ kiện ống đồng, ghế bọc nệm… cũng là những cản trở không nhỏ đến tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Canada.
Bên cạnh đó, việc Canada có thêm nhiều FTA song phương và đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và các nền kinh tế đồng minh, định hướng ưu tiên thương mại với các nền dân chủ, đẩy mạnh thương mại ít phát thải và giảm dấu chân carbon tiêu dùng cũng là những xu hướng tác động lâu dài đến năng lực tăng trưởng xuất khẩu bền vững của Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh
Theo Tham tán thương vụ Việt Nam tại Canada, đối với một số lĩnh vực sản phẩm cụ thể, việc sụt giảm xuất khẩu không chỉ trong năm 2023 mà có thể cả trong vài năm tới là xu hướng khó tránh khỏi.
Đơn cứ như thuỷ sản, lĩnh vực này có sự sụt giảm mạnh trong năm 2023 do kém cạnh tranh về giá so với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Chile, Ecuador. Thêm vào đó, việc Canada thúc đẩy ký kết một loạt các FTA song phương và khu vực sẽ càng làm cho Việt Nam khó cạnh tranh với các nước láng giềng Nam Mỹ.
Hay đối với sắt thép, hiện nay lĩnh vực xây dựng chịu tác động rất tiêu cực vì giá cho vay của ngân hàng quá cao và lạm phát nhất là trong lĩnh vực hàng thiết yếu cao, khiến cho nhu cầu mua sắm và sửa chữa nhà cửa sụt giảm mạnh; bên cạnh đó đầu tư hạ tầng công triển khai khá chậm do tình trạng thiếu nhân lực lao động trong ngành.
Đặc biệt, gạo, rau củ quả cũng là những lĩnh vực mặt hàng Việt Nam rất khó giữ vị trí cạnh tranh với các đối thủ như Hoa Kỳ, Nam Mỹ do lợi thế địa lý và chi phí vận chuyển. Hơn nữa, nhiều nước Nam Mỹ bắt đầu đầu tư mạnh vào việc phát triển các cây ăn quả nhiệt đới tương tự của Việt Nam: mít, xoài, vải, chôm chôm, na, thanh long, măng cụt và thúc đẩy xuất khẩu vào Canada trong những tháng gần đây.
Đối với lĩnh vực dệt may, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng thông tin về Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường mới được nước này đưa ra. Đây là một chương trình ưu đãi thuế mới được Canada lập ra trong kế hoạch ngân sách năm nay nhằm đưa ra những ưu đãi cho các nước mà theo Canada đạt được các tiêu chuẩn về nhân quyền, bình đẳng giới, điều kiện lao động và biến đổi khí hậu. Trong khi Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường.
Đây là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ dệt may cạnh tranh lớn như: Bangladesh, Campuchia, Haiti, Sri Lanka, Pakistan, Kenya, Ai Cập và El Salvador.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, đây là những yếu tố khó khăn chủ yếu sẽ tác động tiêu cực đến tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này, từ đó nhận diện để có giải pháp thích ứng.
 

Nguồn: haiquanonline