Liên tục nhập siêu
Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch XNK lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: “Có vị trí địa lý gần, lại là thành viên của một số thoả thuận thương mại, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để XK sang Thái Lan”.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan đã tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm. Năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay.
Mặc dù là một cường quốc về XK nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về NK các loại trái cây, rau củ tươi. Đây chính là cơ hội để các DN XK nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này. Hiện, các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu cũng như nhiều mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Phân tích số liệu cụ thể, ông Nguyễn Thành Huy, Tùy viên thương mại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết: năm 2021, tổng kim ngạch XNK song phương đạt 18,72 tỷ USD. Trong đó, XK đạt 6,16 tỷ USD, tăng 25,3%; NK đạt 12,56 tỷ USD, tăng 14,6%. 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK song phương đạt 8,61 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 2,91 tỷ USD, tăng 14,4%; NK đạt 5,68 tỷ USD, tăng 4,7%. Mục tiêu hướng tới là tổng kim ngạch XNK Việt Nam-Thái Lan sẽ đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.
“Mặt hàng XK chủ chốt của Việt Nam sang Thái Lan gồm: điện thoại và các loại linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dầu thô; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; hàng thủy sản; sản phẩm hóa chất…”, ông Nguyễn Thành Huy nói.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, hiện TP có khoảng 100 DN XNK có hoạt động ổn định trên địa bàn. Năm 2021, TP XK 1,8 tỷ USD hàng hóa đến 120 nước và vùng lãnh thổ. Thái Lan là thị trường tiềm năng của TP Đà Nẵng. Kim ngạch XK Đà Nẵng – Thái Lan năm 2021 đạt khoảng 4 triệu USD; trong khi đó, NK khoảng 40 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2022, con số này lần lượt là 3 triệu USD và 22 triệu USD.
“Kim ngạch thương mại hai chiều giữa TP Đà Nẵng với Thái Lan tăng dần qua từng năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh một số DN lớn của thành phố thường xuyên có hoạt động mua bán, XNK với Thái Lan thì hiện nay một số DN khác của Đà Nẵng cũng có nhu cầu kết nối với DN Thái Lan và DN các quốc gia Đông Nam Á”, ông Nguyễn Hữu Hạnh thông tin thêm.
Ưu tiên sản phẩm chất lượng, giá hợp lý
Nhận định Thái Lan là thị trường tiềm năng XK cho DN Việt, song bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung và miền Nam của Tập đoàn Central Retail Việt Nam nhấn mạnh: hàng Việt cũng đối mặt nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối… để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan cũng có một số thay đổi như: mua sắm qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý; áp dụng công nghệ là yếu tố bắt buộc để nâng cao và tối ưu hóa chi phí, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng. “Các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường và sản phẩm địa phương đang là xu thế và phát triển trên tất cả các phân khúc khách hàng…”, bà Hiền nói.
Ông Nguyễn Thành Huy phân tích thêm: Thái Lan là đất nước nông nghiệp nên hàng Việt Nam XK sang sẽ bị cạnh tranh do tương đồng về sản phẩm. Người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Thực phẩm cũng là phân khúc mục tiêu của DN Việt tuy nhiên đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nhà XK. “DN Việt nếu không có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể sẽ rất khó cạnh tranh. Cùng với đó, nhận diện thương hiệu thực phẩm nói riêng, hàng Việt nói chung cũng là yếu tố cần chú tâm xây dựng”, ông Huy nói.
Tùy viên thương mại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin thêm: DN có mong muốn XK vào Thái lan cũng cần chú ý tới yếu tố thị hiếu thích màu sắc, ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khoẻ như ít đường, ít dầu mỡ và đặc biệt chú ý tới xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong mua sắm của người tiêu dùng Thái Lan. Riêng ở góc độ phân phối, các kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng gồm: chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói và DN cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng.
Ngoài việc đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, khi XK vào Thái Lan, DN trong nước cũng được khuyến cáo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, xin giấy chứng nhận NK từ các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển…

Nguồn: Haiquanonline