Sáng 19/7, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP trên địa bàn. Hội nghị được kết nối trực tuyến với hơn 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu phụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị tập trung.
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn đặc biệt là sản xuất cây ăn quả đặc sản như na, hồng, cây có múi… Lạng Sơn đã hình thành vùng sản xuất na tập trung tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích 3.500 ha, tổng giá trị sản xuất na ước khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tính đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có trên 2.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VIETGAP, Global… 26 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong ảnh là lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục thương mại điện tử với Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, vùng sản xuất rau tập trung tại Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan,… có xu hướng mở rộng diện tích các loại rau đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có trên 2.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VIETGAP, Global… Địa phương có 26 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng lại đúng thời điểm các sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn đã đến thời kì thu hoạch như na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm. “Chúng tôi tổ chức hội nghị này để giới thiệu các sản phẩm đến các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh để làm sao kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, cùng phối hợp chung tay tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân một cách tốt nhất”, ông Hưng cho biết.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, các đại biểu đã thảo luận nhiều giải pháp để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng vào việc đẩy mạnh, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, mang các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, địa phương này cũng xác định nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Nguồn: Duy Thái/VOV-Đông Bắc