Về quan điểm, ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu, giải pháp đột phá để tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Với mục tiêu nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả, tạo môi trường cho cộng đồng, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

 

Cụ thể đển năm 2020, hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch về nhu cầu tìm kiếm thông tin số của du lịch Việt Nam lên ít nhất 2 bậc và hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.

 

Cũng theo Đề án này, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến phục vụ du khách, đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.

 

Để làm được điều đó, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đưa ra như sau: 1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi; 2. Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; 3. Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; 4. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; 5. Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/11/2018.

Xem chi tiết Quyết định số 1671/QĐ-TTg tại đây.