Người lao động thời vụ tăng giờ làm thêm lên 40 giờ/tháng

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

Đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm một số công việc cụ thể.

Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng, trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần (trước là 60 giờ/tuần).

Số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng, trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng.

Số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng, trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng.

Về thời giờ nghỉ ngơi, hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.

Nhiều nội dung bắt buộc được bổ sung trong xuất khẩu lao động

Ngày 1/2/2022, Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực, bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động. Cụ thể như giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Đối tượng áp dụng là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;

Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.

Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

Ngày 15/2/2022, Nghị định 134/2021/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực.

Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP sửa đổi điều 52 như sau, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Tại điều 76, sửa đổi điểm d khoản 2: “Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Không được viết tắt tên nước sản xuất hàng hóa

Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Sinh viên được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm học

Thông tư 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Trong đó, quy định việc tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.

Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Thu, nộp lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Thông tư số 85/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 5/10/2021 hướng dẫn một số nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là lợi nhuận được xác định theo quy định pháp luật về kế toán sau khi trừ các khoản: bù đắp lỗ năm trước; trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; các khoản phân phối, trích lập quỹ theo quy định.

Cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính và quyết định chia cổ tức, lợi nhuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu nộp 100% vào ngân sách Trung ương đối với khoản lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ban hành 24 biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán

Ngày 11/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Thông tư số 96/2021/TT-BTC ban hành các mẫu biểu và quy định việc sử dụng mẫu biểu trong công tác quyết toán, gồm 9 mẫu biểu thuộc Hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ); 15 mẫu biểu thuộc Hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành (không gồm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Đối với quyết toán theo niên độ, chủ đầu tư đối chiếu, xác nhận số liệu quyết toán theo niên độ với cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch theo quy định, báo cáo theo mẫu gửi bộ, cơ quan trung ương, cơ quan cấp trên của chủ đầu tư (trường hợp được phân cấp quản lý), sở, phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp quản lý.

Các bộ, cơ quan trung ương đối chiếu, xác nhận số liệu quyết toán theo niên độ với cơ quan kiểm soát, thanh toán cấp trung ương theo quy định, báo cáo theo mẫu gửi Bộ Tài chính. Sở, phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp quản lý đối chiếu, xác nhận số liệu quyết toán theo niên độ với cơ quan kiểm soát, thanh toán cùng cấp, báo cáo theo mẫu gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

Lập chứng từ kế toán mọi nghiệp vụ kinh tế liên quan đến vay, trả nợ nước ngoài

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Thông tư số 99/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài đều phải lập chứng từ kế toán; chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Đối với chứng từ lập trên giấy, chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai. Đáng chú ý, không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký. Một người chỉ được phép ký một chức danh theo một quy trình phê duyệt trên một chứng từ hoặc một bộ chứng từ kế toán.

Ngoài ra, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phải định kỳ đối chiếu số liệu về các khoản cho chính quyền địa phương vay lại với Sở Tài chính các địa phương đảm bảo khớp đúng. Hàng tháng, Sở Tài chính các địa phương và Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh phải thực hiện đối chiếu số liệu về các khoản nhận nợ của chính quyền địa phương.

Thay đổi cách tính thuế đối với người cho thuê nhà

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là Thông tư số 100/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính với quy định mới về cách tính thuế đối với người cho thuê nhà.

Theo Thông tư số 40 được ban hành trước đó không lâu, cá nhân cho thuê nhà không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê nhà không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm dương lịch (12 tháng).

Thông tư số 100/2021/TT-BTC đã điều chỉnh lại như sau: Nếu cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê nhà, thời gian cho thuê không trọn năm, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì mới không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Cũng theo Thông tư số 100/2021/TT-BTC, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… sẽ không bắt buộc phải nộp thuế thay cho người bán; nghĩa vụ này chỉ phát sinh nếu giữa sàn thương mại điện tử và người bán sinh có hợp đồng ủy quyền. Trong khi Thông tư 40 trước đó quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với các sàn thương mại điện tử.

Từ năm 2022, giá đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu là 10 triệu đồng

Ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC về việc quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ là 10 triệu đồng; chứng quyền có bảo đảm là 5 triệu đồng. Đối với giá dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ là 0,15% trên tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp, loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa 150 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ và tối thiểu là 20 triệu đồng/1 cuộc đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ. Bên cạnh đó, mức giá dịch vụ quản lý giao dịch vay và cho vay chứng khoán là 0,027% giá trị khoản vay tại ngày xác lập hợp đồng vay đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có bảo đảm, tối thiểu 500.000 đồng đối với vay hỗ trợ thanh toán,…

Ngoài ra, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán thu bằng đồng Việt Nam; đối với trái phiếu Chính phủ ngoại tệ, giá dịch vụ được tính toán trên cơ sở quy định từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo bình quân các mức tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong tháng có phát sinh dịch vụ liên quan đến trái phiếu Chính phủ ngoại tệ.

Từ năm 2022, mức giá tối đa của 1 cuộc đấu giá cổ phần là 150 triệu đồng

Ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 102/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, mức giá dịch vụ đấu giá cổ phần từ 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phẩn/mỗi loại chứng khoán đến 0,15% trên tổng giá trị cổ phần và các loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa là 150 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ môi giới, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) tối đa 0,45% giá trị giao dịch; giá dịch vụ bảo lãnh phát hành; giá dịch vụ bảo lãnh phát sinh khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ 0,5% - 2% tổng giá trị bảo lãnh đối với cổ phiếu… Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá dịch vụ và chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022 và thay thế Thông tư 128/2018/TT-BTC.

Trích lập 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu điezen, dầu hỏa

Kể từ ngày 2/1/2022, phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính.

Theo đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu điezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Điều chỉnh mức giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức quy định khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở xăng dầu giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Ngoài ra, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác

Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.

Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.

Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo

Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022, thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tạm thời vẫn phải kê khai thông tin về ngày sinh, dân tộc (để phục vụ việc in thẻ và xác định điều kiện của người được cấp thẻ là người dân tộc) do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục

Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 14/2/2022, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 03 năm đến 05 năm.

Hoạt động điện lực không có Giấy phép bị phạt tới 200 triệu đồng

Theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 160 - 200 triệu đồng nếu không có Giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điện lực trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Sau Tết Nhâm Dần 2022, điều chỉnh phí thẩm định cấp phép môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 02 quy định mức thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện. Cụ thể mức phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường được quy định đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II hoặc các dự án hoặc cơ sở nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh là từ 45 triệu đến 50 triệu đồng/giấy phép. Phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường đối với các dự án hoặc cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại sẽ từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/ giấy phép/dự án; từ 40 triệu đến 60 triệu đồng/giấy phép/cơ sở.

Ba dự án giao thông lớn khởi công đầu năm 2022

Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, dự kiến sẽ có 38 dự án giao thông được khởi công. Riêng quý 1/2022, dự kiến khởi công 4 dự án. Trong đó, tính đến hết tháng 1/2022, dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đã được khởi công. Ba dự án còn lại, gồm: Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1, tỉnh Quảng Trị và Hạng mục bổ sung xây dựng cầu vượt nút giao với QL39 thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu”

Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Có hiệu lực từ ngày 5/2/2022, Thông tư 17/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng thay thế Thông tư 04/2014/TT-BXD.

Thông tư nêu rõ 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng, bao gồm:

1- Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

2- Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

3- Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi

Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022..

Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

1- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

2- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

3- Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

4- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản 5,7 triệu đồng/lần

Thông tư số 112/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Theo đó, phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản là 5,7 triệu đồng/lần.

 

 

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC