Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
Về mục tiêu cụ thể, Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.
Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1-1,5%/năm; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6-8%/năm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13,0-13,5%/năm.
Về tái cơ cấu ngành năng lượng đặt ra một số nhiệm vụ:
Phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 105-115 triệu TOE.
Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Khai thác và sử dụng tối ưu, tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các loại năng lượng sạch mới. Đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% năm 2030.
Đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 7% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thườg./.
 Xem chi tiết văn bản tại đây

Nguồn: Vinanet/VITIC